TẦM SOÁT UNG THƯ PHỔI ĐỂ PHÁT HIỆN KHỐI U Ở GIAI ĐOẠN SỚM

 

1. Tầm soát ung thư phổi như thế nào?


Chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn sớm rất quan trọng

Ung thư phổi có thể phát triển trong âm thầm cho đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn sau mới được phát hiện. Khi đó khối u đã xâm lấn và di căn xa, khó điều trị, tiên lượng sống không cao. Do vậy bạn cần phải thực hiện tầm soát ung thư phổi định kỳ, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao mắc ưng thư phổi.

Khi thực hiện tầm soát ung thư phổi bệnh nhận sẽ được thực hiện một số kiểm tra cơ bản và đánh giá yếu tố nguy cơ, đồng thời thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để tầm soát ung thư phổi như sau: xét nghiệm máu, chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT).

Xét nghiệm máu để tìm kiếm dấu hiệu bất thường thông qua các thông số chất chỉ điểm ung thư. Một số chất chỉ điểm ung thư phổi giúp gợi ý đến u nguyên phát tại phổi như:

- Định lượng Cyfra 21-1: Tăng trong ung thư phổi, đặc biệt là ung thư phổi không tế bào nhỏ.

- Định lượng Pro-GRP (Pro-Gastrin Releasing Peptide): Tăng trong ung thư phổi, đặc biệt là ung thư phổi tế bào nhỏ.

- Định lượng SCC (Squamous cell carcinoma antigen): Tăng trong ung thư phổi biểu mô tế bào vảy.

- Định lượng CEA (Carcino Embryonic Antigen): Tăng trong ung thư phổi.

- Định lượng CA 125 (Cancer antigen 125): Được xem là dấu ấn ung thư phổi loại 2, sau các dấu ấn Cyfra 21-1, Pro-GRP, SCC và CEA.

Chụp X-quang ngực thẳng/nghiêng sẽ cho thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong phổi.

Chụp cắt lớp vi tính (CT) lồng ngực thường được khuyến nghị để sàng lọc ung thư phổi. Phương pháp này sử dụng một liều lượng bức xạ thấp để tạo ra hình ảnh của phổi bên trong cơ thể, dùng để xác nhận nghi ngờ ung thư phổi và kiểm tra mức độ tiến triển của ung thư. Đây là phương pháp quan trọng nhất trong tầm soát ung thư phổi.

Các xét nghiệm sàng lọc trên được tiến hành ở những người không có triệu chứng. Các xét nghiệm này tìm kiếm tổn thương hoặc khối u bất thường của ung thư phổi giai đoạn sớm. Nếu chụp CT phát hiện bất thường, người bệnh sẽ được chỉ định làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác.

Chẩn đoán ung thư phổi cần dựa vào giải phẫu mô bệnh học để xác định chính xác loại mô ung thư và có định hướng điều trị chính xác nhất.

2. Ưu điểm của tầm soát ung thư phổi

 
Tầm soát ung thư phổi cho tiên lượng sống cao hơn

Ung thư phổi là một loại ung thư nguy hiểm, phổ biến chỉ sau ung thư gan và có tỷ lệ tử vong rất cao. Giống như bất kỳ loại ung thư nào, chẩn đoán càng sớm thì tiên lượng của bệnh càng cao. 

Ung thư phổi ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nghèo nàn. Tầm soát ung thư phổi có thể phát hiện tế bào ung thư ở giai đoạn sớm. Nếu khối u được phát hiện khi chưa xâm lấn và di căn xa thì việc điều trị sẽ hiệu quả và ít tốn kém hơn. 

Ngoài ra, tầm soát ung thư phổi còn phát hiện các tổn thương tiền ung thư. Từ đó, người bệnh sẽ được theo dõi định mỗi 3 đến 12 tháng (tùy theo ước lượng nguy cơ ác tính) nhằm can thiệp kịp thời trước khi tổn thương phát triển và chuyển thành ác tính.

3. Nhược điểm của tầm soát ung thư phổi

Tầm soát ung thư phổi không đúng cách sẽ có nguy cơ gây hại, bao gồm phơi nhiễm bức xạ, cho kết quả dương tính giả và những rủi ro từ kết quả dương tính giả. Vì vậy, sau kết quả chẩn đoán ung thư dương tính, bệnh nhân cần tiến hành sinh thiết phổi. Mẫu mô được gửi đến phòng thí nghiệm để xác nhận lại lần nữa. 

Những người nhận được dương tính giả có thể bị rối loạn lo âu hoặc thậm chí phải phẫu thuật mà không có lý do. Chính vì vậy, bệnh nhân chỉ nên tầm soát ung thư phổi ở những cơ sở y tế uy tín, chất lượng tốt.

4. Ai nên tầm soát ung thư phổi?

 
Người có triệu chứng ung thư phổi nên đi tầm soát ung thư phổi

Bất kỳ ai cũng có thể bị ung thư phổi. Nhưng tùy theo đối tượng, tầm soát ung thư phổi thường được khuyến nghị khác nhau.

Đối với những người không nằm trong nhóm yếu tố nguy cơ và không có triệu chứng nên thực hiện xét nghiệm huyết thanh chỉ dấu ung thư định kỳ. Đây là một xét nghiệm máu đơn giản và rất an toàn, bất kỳ ai cũng có thể thực hiện.

Đối với những người nằm trong nhóm nguy cơ hoặc có triệu chứng ung thư phổi thì nên thực hiện tầm soát kết hợp giữa xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh. Những nhóm đối tượng có nguy cơ bị ung thư phổi là:

- Nhóm nguy cơ cao: Người từ 50 tuổi, hút thuốc nặng trên 30 năm, một gói mỗi ngày trong 30 năm hoặc 2 gói mỗi ngày trong 15 năm.

- Nhóm nguy cơ trung bình: Người nghiện thuốc lá nặng, đã bỏ thuốc nhưng chưa bỏ quá 15 năm; người không hút thuốc nhưng sinh hoạt làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với thuốc lá một cách thụ động.

Những triệu chứng thường gặp của ung thư phổi là:

- Ho tái phát nhiều lần;

- Ho ra máu;

- Đau ngực;

- Khàn giọng;

- Sút cân không rõ lý do;

- Hụt hơi;

- Thở khò khè;

- Mệt mỏi hoặc đau đầu không rõ lý do;

- Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên.

Nhờ vào những tiến bộ trong kỹ thuật và chẩn đoán, y học ngày nay đã có thể phát hiện sớm ung thư phổi bằng các phương pháp tầm soát. Nếu bạn nằm trong nhóm yếu tố nguy cơ hoặc có các triệu chứng của ung thư phổi thì hãy tầm soát ung thư phổi càng sớm càng tốt. Việc phát hiện sớm ung thư đem lại hiệu quả tích cực trong điều trị và chăm sóc bệnh. 

Ngoài ra, một lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư phổi. 

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân