SỐC PHẢN VỆ LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH XỬ TRÍ

Phản vệ là một phản ứng của cơ thể với các yếu tố lạ có khả năng gây dị ứng. Trong đó, sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng. Do đó, bạn cần biết được nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí khi gặp phản ứng phản vệ để biết cách bảo vệ bản thân.

 
Phản ứng phản vệ có thể nhẹ hoặc nặng

1. Phản vệ là gì? Khi nào gọi là sốc phản vệ?

Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. Dị nguyên là yếu tố lạ khi tiếp xúc có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể, bao gồm thức ăn, thuốc và các yếu tố khác.

Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản, có thể gây tử vong trong vòng một vài phút.

2. Tác nhân gây ra phản ứng phản vệ

Phản ứng phản vệ có thể do bất kỳ tác nhân nào trong môi trường khi người đó tiếp xúc: 

- Thức ăn: Đậu phộng, một số loại hạt, động vật có vỏ, cá, sữa và trứng là những chất gây dị ứng thực phẩm phổ biến nhất.

- Thuốc: Một số người có thể bị dị ứng với thuốc, ví dụ như penicillin hoặc aspirin.

- Protein (ví dụ, kháng độc tố uốn ván, truyền máu)

- Nọc động vật: Vết đốt của ong (ong mật, ong bắp cày, ong đất…) hoặc các loại côn trùng khác có thể gây phản vệ ở một số người.

- Latex (mủ cao su).

- Tập thể dục: Đôi khi tập thể dục hoặc tiếp xúc với không khí lạnh có thể gây ra hoặc góp phần gây ra phản ứng phản vệ.

- Sự kết hợp của nhiều yếu tố: Đôi khi, sốc phản vệ xảy ra khi có nhiều yếu tố kết hợp với nhau, ví dụ tiếp xúc với chất gây dị ứng khi đang gắng sức.

 
Nọc ong mật có thể gây ra phản ứng phản vệ

3. Cơ chế của phản ứng phản vệ

Phản ứng phản vệ xảy ra khi có sự tương tác của kháng nguyên với IgE trên bạch cầu ưa base (basophil) và tế bào mast sẽ kích thích giải phóng histamine, leukotrien và các hoá chất trung gian khác. 

Các chất này gây co thắt cơ trơn lan tỏa (vd: co thắt phế quản, nôn ói, tiêu chảy) và giãn mạch gây thoát huyết tương (vd: gây ra mề đay hoặc phù mạch).

4. Triệu chứng của phản ứng phản vệ

Phản vệ có thể có nhiều triệu chứng khác nhau, tuỳ vào từng cá thể mà gây ra các biểu hiện không giống nhau.

Các triệu chứng sốc phản vệ thường liên quan đến da, đường hô hấp trên hoặc dưới, hệ thống tim mạch và/hoặc đường tiêu hóa. Một hoặc nhiều cơ quan có thể bị ảnh hưởng. 

Các triệu chứng này không nhất thiết phải tiến triển từ nhẹ (ví dụ như nổi mày đay) đến nghiêm trọng (ví dụ như tắc nghẽn đường dẫn khí, sốc khó điều trị).

Các triệu chứng của phản ứng phản vệ bao gồm: 

- Đỏ bừng mặt

- Ngứa

- Nổi mề đay

- Phù mạch

- Sổ mũi

- Buồn nôn, nôn

- Đau quặn bụng, tiêu chảy

- Cảm giác nghẹt thở hoặc khó thở

- Đánh trống ngực

- Chóng mặt

- Ngất, rối loạn ý thức

 
Phản ứng phản vệ gây triệu chứng sổ mũi

Các dấu hiệu quá mẫn - phản ứng không mong muốn gây ra bởi hệ miễn dịch, bao gồm: hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, nổi mề đay, phù mạch, thở khò khè, thở rít, tím tái và ngất. Sốc có thể tiến triển trong vòng vài phút, bệnh nhân có thể co giật và tử vong nhanh chóng. Đôi khi, trụy tim mạch có thể xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng hô hấp hoặc các triệu chứng nào khác.

Phản ứng phản vệ giai đoạn cuối có thể xảy ra từ 4 - 8 giờ sau khi tiếp xúc dị nguyên hoặc sau đó nữa. Do đó, bệnh nhân phản ứng phản vệ cần được theo dõi ở cơ sở y tế ở giai đoạn cấp tính trong vài giờ sau khi có các triệu chứng đầu tiên.

5. Cách chẩn đoán phản ứng phản vệ 

Để chẩn đoán phản ứng phản vệ, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng của người bệnh và tiền căn tiếp xúc với chất gây dị ứng.
Các triệu chứng cần nghĩ ngay đến phản vệ đó là:

- Mày đay, phù mạch nhanh.

- Khó thở, tức ngực, thở rít.

- Đau bụng hoặc nôn.

- Tụt huyết áp hoặc ngất.

- Rối loạn ý thức.

6. Các mức độ của phản ứng phản vệ

Phản ứng phản vệ được phân thành 4 mức độ như sau:

a. Nhẹ (phản vệ độ I)

Ở mức độ phản vệ nhẹ, người bệnh chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc. Ví dụ: mày đay, ngứa, đỏ da, phù mạch.

b. Nặng (phản vệ độ II)

Ở mức độ phản vệ nặng hơn, các triệu chứng lan rộng và rõ rệt hơn. Người bệnh xuất hiện ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau: 

- Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh.

- Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi.

- Đau bụng, nôn, tiêu chảy.

- Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.

 
Phản ứng phản vệ gây đau bụng

c. Nguy kịch (phản vệ độ III)

Ở mức độ này, các triệu chứng phản vệ trở nên nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng. Người bệnh có biểu hiện ở nhiều cơ quan:

- Đường thở: tiếng rít thanh quản, phù thanh quản.

- Thở: thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở.

- Rối loạn ý thức: vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn.

- Tuần hoàn: sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.

d. Ngừng tuần hoàn (phản vệ độ IV)

Ở mức độ này, các phản ứng nghiêm trọng có thể leo thang đến đe dọa tính mạng, người bệnh có biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn. 

Phản vệ dẫn đến tụt huyết áp nghiêm trọng, mạch yếu hoặc không có mạch, lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng không đủ, cuối cùng gây ra sốc phản vệ. Khi đường thở tiếp tục sưng tấy, tình trạng co thắt phế quản tăng lên có thể gây suy hô hấp. Tùy vào mức độ mà sốc phản vệ thậm chí có thể dẫn đến ngừng tim.

7. Khi nào thì cần gặp bác sĩ khi có phản ứng phản vệ

Tất cả các trường hợp phản vệ hoặc nghi ngờ có phản ứng phản vệ cần đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác và xử trí kịp thời.

Lưu ý: Mức độ phản vệ có thể nặng lên rất nhanh và không theo tuần tự. Vì vậy, ngay cả khi có các triệu chứng nhẹ cũng cần cảnh giác vì chúng có thể nhanh chóng chuyển sang giai đoạn sốc phản vệ nghiêm trọng hơn.

 
Cần đến gặp bác sĩ ngay khi có triệu chứng phản vệ

8. Xử trí phản ứng phản vệ như thế nào?

Tất cả trường hợp phản vệ phải được phát hiện sớm, xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ, cụ thể:

- Ngừng ngay tiếp xúc với thuốc hoặc dị nguyên (nếu có).

- Sử dụng adrenalin.

- Cho người bệnh nằm tại chỗ, đầu thấp, nghiêng trái (nếu có nôn).

9. Cách phòng ngừa phản ứng phản vệ

Để phòng ngừa phản ứng phản vệ, bạn cần: 

- Tránh tiếp xúc tối đa với các tác nhân đã từng gây phản ứng phản vệ.

- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân lạ.

10. Phản vệ khác dị ứng như thế nào?

Phản vệ là biểu hiện nặng hơn của dị ứng. Thường từ “dị ứng” được sử dụng để chỉ những phản ứng của cơ thể ở mức độ nhẹ.