9 DẤU HIỆU NHẬN BIẾT ĐỘT QUỴ

1. Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là một tình trạng đe dọa tính mạng cần được cấp cứu y tế ngay lập tức. Nếu không được chăm sóc kịp thời, đột quỵ có thể gây tàn tật vĩnh viễn và có nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy hãy đưa người thân của bạn đi cấp cứu ngay lập tức nếu họ có dấu hiệu của đột quỵ.

2. Có mấy loại đột quỵ

Đột quỵ có hai loại chính là đột quỵ thiếu máu và đột quỵ xuất huyết. Đột quỵ thiếu máu cục bộ (nhồi máu não) xảy ra khi mạch máu vận chuyển máu lên não bị chặn hoặc bị thu hẹp do cục máu đông hoặc tình trạng xơ vữa động mạch. Khi não không nhận đủ lượng máu cần thiết, các tế bào não thiếu oxy và bắt đầu chết đi. Điều này có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn. Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi động mạch não bị căng phình và vỡ ra, chảy máu vào các khu vực xung quanh, gây tổn thương não và chức năng thần kinh trong cơ thể.

Có một tình trạng tắc nghẽn tạm thời gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). TIA là một giai đoạn rối loạn chức năng thần kinh ngắn do tắc nhánh động mạch não hoặc bị giảm lưu lượng máu, nhưng nó thường hồi phục trong vòng 24 giờ. 

Khi một mạch máu lớn trong não bị tắc nghẽn sẽ làm cho 32.000 tế bào não chết đi mỗi giây và 1,9 triệu tế bào não chết đi mỗi phút. Cứ mỗi giờ trôi qua, người bị đột quỵ có thể mất đi 3,6 năm tuổi thọ do số lượng tế bào não bị chết tương ứng.

Theo hướng dẫn của Hội Đột quỵ Việt Nam và Hội Đột quỵ Hoa Kỳ ASA (American Stroke Association) thì việc điều trị trong vòng 3 – 4,5 giờ đầu kể từ khi có triệu chứng đột quỵ sẽ giúp giảm số lượng tế bào não chết. Từ đó giảm được nguy cơ tử vong, tăng khả năng hồi phục các di chứng, giảm mức tàn tật và tăng chất lượng cuộc sống sau cơn đột quỵ. 

Vì vậy, việc nhận ra những dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ là rất quan trọng để có thể đưa người bị đột quỵ đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất có thể. Dưới đây là 09 dấu hiệu nhận biết đột quỵ mà bạn cần hết sức chú ý:


Dấu hiệu nào để nhận biết đột quỵ

3. 9 dấu hiệu nhận biết đột quỵ và cách xử lý bạn cần lưu ý

a. B – Balance – Thăng bằng

Câu hỏi: Bạn có đột ngột bị mất thăng bằng hoặc phối hợp vận động không? 

Diễn tả dấu hiệu: Đột nhiên, bạn cảm thấy đứng không vững, bước đi loạng choạng; hoặc cảm thấy khó điều kiển hoạt động của đầu, cổ và chân tay; hoặc cảm thấy hoạt động chân tay phối hợp không nhịp nhàng với nhau. 

b. S – Speech – Ngôn ngữ

Câu hỏi: Bạn có đột ngột bị nói đớ hoặc khó sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt không?

Diễn tả dấu hiệu: Đột nhiên, bạn cảm thấy giọng nói của mình bất thường không giống như hằng ngày; hoặc có người than phiền giọng bạn nghe không rõ, nói khó nghe hoặc nói đớ. Bạn có thể khó sử dụng ngôn ngữ diễn đạt ý của mình muốn nói, không hiểu những gì người khác đang nói, nói những câu từ không phù hợp với hoàn cảnh đang diễn ra hoặc người thân phát hiện bạn thờ ơ với mọi vật xung quanh.

c. A – Arms – Tay 

Câu hỏi: Bạn có đột ngột cảm thấy một nửa người vận động khó khăn hoặc yếu, có thể chỉ xảy ra ở một bên tay hoặc chân không?

Diễn tả dấu hiệu: Đột nhiên, bạn thấy một bên cơ thể của mình khó vận động, cầm nắm một vật thấy yếu, khó khăn khi viết, cầm đũa muỗng hoặc khó đi lại, khó mang giày dép. Ngoài ra, bạn có thể cảm thấy tê, giảm cảm giác ở một bên cơ thể; hoặc chỉ ở một bên cánh tay, một bên chân.

d. E – Eyes – Mắt  

Câu hỏi: Bạn có đột ngột nhìn mờ hoặc nhìn đôi không? 

Diễn tả dấu hiệu: Đột nhiên, bạn cảm thấy nhìn mọi vật xung quanh không rõ ràng, khó đọc sách, xem tivi hoặc bạn nhìn 1 vật thành 2 vật, nhìn 1 hình thành 2 hình. 

e. F – Face – Mặt 

Câu hỏi: Bạn có đột ngột bị méo miệng hoặc khuôn mặt bị lệch, mất cân đối không?

Diễn tả dấu hiệu: Đột nhiên, bạn cảm thấy miệng méo khi há miệng, nói chuyện hoặc cười. Bạn có thể nhận thấy sự mất cân đối trên khuôn mặt của mình. Bạn cũng có thể nghe người đối diện báo với bạn rằng miệng hoặc mặt của bạn bị lệch. 

f. Đau đầu dữ dội

Câu hỏi: Bạn có đột ngột bị đau đầu dữ dội không?

Diễn tả dấu hiệu: Bạn có thể bị một cơn đau đầu dữ dội chưa từng trải qua trước đó, mức độ không thể chịu đựng nổi hoặc có kèm theo các dấu hiệu khác như thay đổi tri giác (nói sảng, lơ mơ, chậm tiếp xúc với những người xung quanh) hoặc buồn nôn, nôn dữ dội (nôn vọt từng cơn, sau khi nôn bạn có thể cảm thấy cơn đau đầu dễ chịu hơn). 

g. Ngất xỉu

Câu hỏi: Bạn có đột ngột không nhận thức được mọi vật xung quanh hoặc ngã quỵ xuống mà không biết chuyện gì đã xảy ra không?

Diễn tả dấu hiệu: Đột nhiên, bạn thấy mình nằm dưới đất hoặc trong sàn nhà tắm mà không biết chuyện gì đã xảy ra. Người khác phát hiện ra bạn không nhận thức hoặc không phản ứng được với mọi vật xung quanh hoặc bạn ngất đi mà không nhận thức được gì.

h. Co giật

Câu hỏi: Bạn có đột ngột bị một cơn co giật mà trước đây chưa bao giờ bị không?

Diễn tả dấu hiệu: Đột nhiên, bạn cảm thấy bị co giật một bên tay hoặc một bên chân, sau đó lan ra cả hai bên tay chân. Thường bạn không biết gì cả cho đến khi mở mắt ra và nghe người khác kể rằng bạn mới vừa bị co giật tím tái, gồng hoặc duỗi tay chân, sùi bọt mép, thở khó khăn và rất ồn ào.

i. Mất trí nhớ thoáng qua

Câu hỏi: Bạn có đột ngột không nhớ gì trong một khoảng thời gian ngắn không?

Diễn tả dấu hiệu: Đột nhiên, bạn không nhớ bất kì sự việc nào đã diễn ra trong một khoảng thời gian. Người đối diện có thể phát hiện bạn không nhớ sự việc đang diễn ra, mặc dù có thể bạn vẫn nói đúng và phù hợp hoặc không phù hợp với hoàn cảnh và thời gian hiện tại. 

Đưa bệnh nhân có một trong những dấu hiệu trên đến cơ sở y tế gần nhất hoặc đến những bệnh viện có can thiệp mạch máu trong vòng 3 – 4.5 giờ. Hoặc gọi điện thoại đến trung tâm cấp cứu 115. Trong thời gian chờ cấp cứu, bạn nên:

- Đỡ người bệnh nằm nghiêng một bên với đầu nâng lên cao. Trong trường hợp bệnh nhân chảy dãi hoặc nôn, cần làm sạch để bệnh nhân dễ thở.

- Trong trường hợp bệnh nhân bị hôn mê, cần kiểm tra hơi thở của họ. Nếu khó thở, hãy nới lỏng quần áo. Nếu ngừng thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo.

- Tuyệt đối không cạo gió, bấm huyệt hay châm cứu, không trích máu.

- Tuyệt đối không ăn, uống hoặc tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

- Tuyệt đối không di chuyển người bệnh bằng xe máy, chỉ nên di chuyển bằng xe cứu thương hoặc xe hơi.

==> Tham khảo gói tầm soát nguy cơ đột quỵ tại đây: Gói tầm soát nguy cơ đột quỵ

BS CKI Lâm Thuỳ Nga - Chuyên khoa Nội thần Kinh - PK BV Đại học Y Dược 1