XÉT NGHIỆM VDRL PHÁT HIỆN BỆNH GIANG MAI

Xét nghiệm VDRL là xét nghiệm đầu tiên để phát hiện bệnh giang mai. Xét nghiệm này có thể được sử dụng để tầm soát giang mai cho những đối tượng có nguy cơ cao, phụ nữ mang thai và người có triệu chứng của bệnh giang mai.

 
Xoắn khuẩn treponema pallidum gây bệnh giang mai

1. Xét nghiệm máu VDRL có phát hiện được bệnh giang mai không? 

Giang mai là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Xoắn khuẩn giang mai lây trực tiếp qua quan hệ tình dục, lây gián tiếp qua đồ dùng, vết thương nhiễm xoắn khuẩn hoặc từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai. 

Giang mai có thể gây tổn thương da, niêm mạc. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây tổn thương các cơ quan khác như cơ, xương, khớp, tim mạch và thần kinh.

Xét nghiệm VDRL (venereal disease research laboratory) là xét nghiệm kháng thể. Tức là xét nghiệm này không phát hiện xoắn khuẩn gây bệnh giang mai mà tìm kiếm kháng thể do hệ thống miễn dịch sản xuất ra để chống lại xoắn khuẩn này. Vì vậy, xét nghiệm VDRL có thể cho biết liệu một người có đang bị bệnh giang mai hay không.

2. Lợi ích của xét nghiệm VDRL

Xét nghiệm VDRL là xét nghiệm đơn giản và nhanh chóng để có thể sàng lọc cho tất cả mọi đối tượng, bất kể có triệu chứng của bệnh giang mai hay không, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao.

Xét nghiệm VDRL giúp chẩn đoán khi một người có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh giang mai. Các triệu chứng của giang mai là:

- Vết loét nhỏ, có màu hồng đỏ, hình tròn hoặc bầu dục, xuất hiện ở âm đạo, dương vật, hậu môn.

- Ban đỏ trên da, không ngứa, vị trí thường ở lòng bàn tay, bàn chân hai bên.

- Các vết trợt trắng ở niêm mạc miệng, lưỡi, sinh dục.

- Các vết sẩn màu đỏ hồng, hình bán cầu, xung quanh có viền vảy, xuất hiện ở các vùng da khác nhau.

- Các triệu chứng khác: mệt, sốt, nổi hạch vùng, rụng tóc, đau đầu.

Sau các tổn thương ban đầu, các triệu chứng của giang mai có thể tự mất đi dù không điều trị. Tuy nhiên, nếu tiếp tục không điều trị, bệnh sẽ tiến triển thành giang mai tiềm ẩn. Hầu hết bệnh nhân vẫn ở giai đoạn này, khoảng 1/4 sẽ tiến triển sang giai đoạn sau với nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh giang mai kín không có dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng, chỉ có thể phát hiện bằng xét nghiệm huyết thanh. 

Giang mai có thể lây truyền từ mẹ sang con sau nhiều năm kể từ thời điểm nhiễm khuẩn ban đầu. Do đó, phụ nữ mang thai cần thực hiện xét nghiệm VDRL vào lần khám thai đầu tiên để phát hiện, điều trị sớm và ngăn ngừa lây giang mai từ mẹ sang con. 

Xét nghiệm VDRL cũng được thực hiện ở những bệnh nhân đang điều trị một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như bệnh lậu, HIV.
Xét nghiệm VDRL rất hữu ích để theo dõi việc điều trị bệnh giang mai cả trong và sau khi điều trị. Ở những bệnh nhân điều trị thành công thì hiệu giá kháng thể sẽ giảm. Ngược lại nếu bệnh không đáp ứng tốt với điều trị thì hiệu giá kháng thể sẽ tăng.

3. Cách thực hiện xét nghiệm VDRL

Để xét nghiệm VDRL bạn cần làm xét nghiệm máu và không có gì khác so với các xét nghiệm máu thông thường. Mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch nếp gấp khuỷu tay hoặc mu bàn tay, sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. 

Xét nghiệm VDRL không yêu cầu nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm.

4. Kết quả xét nghiệm VDRL có ý nghĩa gì?

 
Xét nghiệm VDRL phát hiện nhanh bệnh giang mai

Xét nghiệm VDRL cho kết quả âm tính hoặc dương tính.

Ở người khỏe mạnh, xét nghiệm cho kết quả âm tính. Điều này có nghĩa là không nhiễm xoắn khuẩn Treponema pallidum nên không có kháng thể.

Xét nghiệm cho kết quả dương tính gợi ý một người có thể bị giang mai. Nhưng chỉ riêng xét nghiệm VDRL không thể xác định được mà cần làm thêm một xét nghiệm đặc hiệu để khẳng định chẩn đoán như TPHA, TPPA hay FTA abs.

Xét nghiệm VDRL nhạy nhưng độ đặc hiệu không cao, do đó xét nghiệm có thể cung cấp kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả. 

Âm tính giả là trường hợp một người mắc bệnh giang mai nhưng kết quả âm tính. Đa phần các trường hợp âm tính giả là do xét nghiệm trong vòng 3 tháng sau khi xuất hiện tổn thương sơ phát hoặc xét nghiệm giang mai ở giai đoạn muộn.

Dương tính giả là trường hợp một người không bị bệnh giang mai nhưng kết quả xét nghiệm VDRL dương tính. Kháng thể được phát hiện bởi xét nghiệm VDRL không đặc hiệu cho mỗi bệnh giang mai mà còn được phát hiện ở một số bệnh khác như nhiễm virus (HIV, sốt rét, một số loại viêm phổi), một số bệnh tự miễn (như bệnh lupus ban đỏ hệ thống),  do đó có thể cho ra kết quả dương tính giả.

5. Cần làm gì nếu xét nghiệm VDRL dương tính?

Sau khi kết quả xét nghiệm VDRL dương tính, bạn cần làm thêm xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán hoặc xét nghiệm khác. Ví dụ, giang mai giai đoạn III và khi có triệu chứng thần kinh cần làm thêm xét nghiệm bệnh phẩm dịch não tủy.

Bệnh giang mai rất dễ lây nhiễm, có thể điều trị được. Nếu không được điều trị thích hợp, giang mai có thể lây lan khắp cơ thể và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, sau khi được khẳng định mắc bệnh giang mai, bạn cần tuân thủ theo điều trị của bác sĩ. 

Xét nghiệm VDRL chỉ là một xét nghiệm đầu tiên giúp sàng lọc bệnh giang mai. Điều quan trọng là bạn cần quan hệ tình dục an toàn và đi khám ngay khi nghi ngờ bản thân bị giang mai.