UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT: TRIỆU CHỨNG, NGUYÊN NHÂN, CHẨN ĐOÁN, CÁCH ĐIỀU TRỊ

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư rất phổ biến ở nam giới. Ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện sớm khi khối u còn đang khu trú, chưa di căn sẽ có cơ hội điều trị thành công cao. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về nguyên nhân, nguy cơ, triệu chứng, cách tầm soát, chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
 
Ung thư xảy ra ở tuyến tiền liệt của nam giới

1. Ung thư tuyến tiền liệt là gì?

Ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer) là ung thư bắt đầu ở tuyến tiền liệt. Tuyến này nằm ngay dưới bàng quang, phía trước trực tràng, có kích thước bằng quả óc chó và bao quanh niệu đạo (ống dẫn nước tiểu). Tuyến tiền liệt cùng với dương vật, túi tinh và tinh hoàn tạo thành hệ thống sinh sản của nam giới.

Trên thế giới, ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến ở nam giới chỉ sau ung thư phổi. Theo thống kê của GLOBOCAN, năm 2020 có hơn 1,4 triệu ca mắc mới và hơn 375.000 người tử vong vì loại ung thư này. 

Tại Việt Nam, ung thư tuyến tiền liệt nằm trong 5 loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới sau ung thư gan, phổi, dạ dày và đại trực tràng, gây ra hơn 6.200 ca mắc mới và hơn 2.600 trường hợp tử vong trong năm 2020.

Một điều đáng mừng là tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt đang giảm dần nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, sự hiểu biết về loại ung thư này giúp mọi người có ý thức hơn trong việc tầm soát và điều trị bệnh sớm.
 
Ung thư tuyến tiền liệt rất phổ biến ở nam giới

2. Nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tiền liệt

Nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tiền liệt vẫn chưa được xác định rõ. Nhiều nghiên cứu cho rằng các yếu tố gene di truyền, dinh dưỡng và thói quen lối sống có thể ảnh hưởng phần nào đến nguy cơ mắc bệnh. Nhưng các yếu tố này vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.

3. Ai có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt?

Tất cả nam giới đều có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt. Nguy cơ này tăng lên theo tuổi tác.

Các đối tượng dưới đây có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt cao hơn:

- Nam giới trên 50 tuổi.

- Có tiền sử gia đình (cha hoặc anh em trai) bị ung thư tuyến tiền liệt.

- Nam giới có chế độ ăn nhiều chất béo, nhất là mỡ động vật.

- Nam giới béo phì.

- Đàn ông Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ tử vong và nguy cơ mắc bệnh khi còn trẻ cao hơn.

4. Triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt

Rất nhiều trường hợp ung thư tuyến tiền liệt không có triệu chứng. Nhiều trường hợp có thể tử vong vì các nguyên nhân sức khỏe khác mà không được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, khi giải phẫu mới tình cờ phát hiện.

Khi ung thư tuyến tiền liệt phát triển gây ra rối loạn tiểu tiện và có các dấu hiệu di căn thì bệnh nhân mới đi khám và được chẩn đoán.
Các triệu chứng tiết niệu thường gặp là:

- Đái khó, tia đái nhỏ.

- Đái nhiều lần mức độ khác nhau, tùy theo sự kích thích, cảm giác đái không hết do có nước tiểu dư trong bàng quang.

- Đái không tự chủ.

- Bí đái cấp.

Khi ung thư tuyến tiền liệt di căn sẽ gây ra:

- Đau xương.

- Đau tầng sinh môn (vùng đáy chậu và cấu trúc xung quanh).

- Phù nề chân.

- Xuất tinh ra máu.

- Các dấu hiệu toàn thân: sút cân, gầy, phù nề, xanh nhợt, thiếu máu.
 
Ung thư tuyến tiền liệt gây triệu chứng rối loạn tiểu tiện

5. Cách phát hiện ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm

Ung thư tuyến tiền liệt không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn sớm và dễ nhầm lẫn với bệnh u phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Thường chỉ khi ung thư đã ở giai đoạn muộn mới có các triệu chứng như bí tiểu, tiểu khó, tiểu ngắt quãng, tiểu ra máu. Khi đó, việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

Hiện nay, với sự hữu hiệu của xét nghiệm định lượng PSA và kỹ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt, ngày càng có nhiều trường hợp ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện và chẩn đoán sớm.

PSA là một chất chỉ dấu ung thư được sử dụng để sàng lọc và phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm. Nồng độ PSA càng cao thì khả năng tồn tại ung thư càng lớn. Tuy nhiên, việc tầm soát có thể dẫn đến việc điều trị quá mức hoặc không cần thiết. Do đó, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, xét nghiệm PSA tầm soát ung thư tuyến tiền liệt chỉ nên thực hiện ở nam giới có nguy cơ dưới đây:

- Nam giới trên 50 tuổi (đây là độ tuổi có tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao).

- Nam giới trên 45 tuổi có tiền sử gia đình (bố hoặc anh em trai) bị ung thư tuyến tiền liệt.

Ngoài ra, có thể kiểm tra ung thư tuyến tiền liệt qua thăm khám trực tràng. Đây là cách đơn giản và hữu hiệu để phát hiện dấu hiệu nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt vì hầu hết các khối u xuất hiện ở vùng ngoại vi của tuyến tiền liệt. 

Tuy nhiên, không khuyến nghị khám trực tràng như một cách để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt mà thường phối hợp với xét nghiệm PSA. 
 
Xét nghiệm PSA tầm soát ung thư tuyến tiền liệt

6. Cách chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt qua khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng và sinh thiết mô bệnh học. 

Sinh thiết qua trực tràng là phương pháp được sử dụng trong hầu hết các trường hợp nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt. Sinh thiết được chỉ định sau kết quả đo nồng độ PSA bất thường và/hoặc có dấu hiệu nghi ngờ ung thư khi thăm khám trực tràng. Sinh thiết lấy một mẫu mô từ tuyến tiền liệt. Mẫu được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra.

Kết quả sinh thiết được báo cáo bằng phân độ mô bệnh học theo hệ thống thang điểm Gleason từ 1-10. Thang điểm này được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt để phục vụ cho điều trị, theo dõi và tiên lượng.

Các xét nghiệm có thể được chỉ định trong ung thư tuyến tiền liệt là:

- Xét nghiệm nồng độ PSA: Hội Niệu khoa và thận học Việt Nam (VUNA) khuyến nghị lấy mức PSA bất thường là >4ng/mL. Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhỏ bị ung thư tuyến tiền liệt có nồng độ PSA <4ng/mL.

- Xét nghiệm PSA chuyên sâu: Đo vận tốc PSA, tỷ trọng PSA, PSA theo tuổi.

- Siêu âm qua trực tràng.

- Siêu âm ổ bụng.

- Chụp cộng hưởng từ (MRI) tiểu khung.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan). 

- Chụp xạ hình xương.

- Chụp PET/CT.
 
Siêu âm qua trực tràng hỗ trợ chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

7. Cách điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Một số loại ung thư tuyến tiền liệt phát triển và lây lan nhanh, nhưng hầu hết phát triển chậm. Điều đó dẫn đến triển vọng cao trong điều trị loại ung thư này với tỷ lệ sống sau 5 năm lên đến hơn 95%.  

Việc điều trị ung thư tuyến tiền liệt sẽ bao gồm các phương pháp điều trị đặc hiệu tại chỗ hoặc toàn thân và các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ, phụ thuộc vào từng đối tượng bệnh nhân cụ thể.

Các phương pháp điều trị bao gồm:

- Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt theo mổ mở hoặc mổ nội soi.

- Xạ trị.

- Nội tiết tố.

- Theo dõi tích cực và điều trị triệu chứng.

Ngoài ra, người bệnh cần kiểm tra, theo dõi sau điều trị phẫu thuật hoặc xạ trị để kịp thời phát hiện nếu có di căn. Đồng thời sàng lọc các bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, kiểm tra và bổ sung vitamin D, canxi định kỳ.

Nhìn chung, ung thư tuyến tiền liệt rất phổ biến nhưng hầu hết phát triển chậm và việc điều trị thường có hiệu quả nếu được chẩn đoán sớm. Với các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt phát triển nhanh hơn thì việc điều trị sớm cũng đem lại nhiều lợi ích hơn. 

Nếu bạn có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt thì bạn nên đi tầm soát định kỳ. Việc áp dụng các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, giai đoạn bệnh, nguy cơ di căn, ước tính thời gian sống và các tình trạng bệnh kèm theo.