TỔNG QUAN VỀ BỆNH HEN PHẾ QUẢN (HEN SUYỄN)

Hen phế quản (hen suyễn) là bệnh lý hô hấp gây ra cơn khò khè, khó thở, nặng tức ngực và ho. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, chẩn đoán và cách điều trị bệnh hen phế quản.

 
Hen phế quản là bệnh hô hấp gây khó thở

1. Bệnh hen phế quản là gì?

Hen phế quản (bronchial asthma) là tình trạng viêm mạn tính niêm mạc phế quản, khiến phế quản phản ứng mạnh với các tác nhân kích thích, dẫn đến các cơn khó thở kịch phát do co thắt phế quản. Ngoài ra còn gây ra các triệu chứng thở khò khè, tức nặng ngực, ho, nhất là vào ban đêm và sáng sớm.

Khi bị hen phế quản, bạn có thể gặp triệu chứng mọi lúc. Nhưng cơn hen thường xảy ra khi niêm mạc phế quản bị kích thích bởi các tác nhân (ví dụ: khói thuốc, mạt bụi, ô nhiễm không khí, nhiễm trùng, gắng sức, cảm xúc mạnh...) dẫn đến phế quản sưng, phù nề, co thắt và tăng tiết đờm. Tình trạng nghẽn đường thở gây ra các triệu chứng hen. Cơn hen có thể tự hết một cách tự phát hoặc dưới tác dụng điều trị.

Hen suyễn rất phổ biến ở người lớn và trẻ em, nhưng thường gặp hơn ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nếu có người thân trong gia đình bị hen suyễn bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, tiền sử dị ứng cũng là một yếu tố nguy cơ.

2. Bệnh hen phế quản và hen suyễn

Hen suyễn (asthma), bệnh suyễn và hen phế quản là một. Đây là các cách gọi khác nhau của một tình trạng bệnh. Hen phế quản là tên gọi theo chuyên môn y tế. Trong khi hen suyễn hay bệnh suyễn được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng hơn.

 
Hen phế quản còn gọi là hen suyễn

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây hen phế quản

Nguyên nhân chính xác của bệnh hen phế quản chưa được biết đến, nhưng các yếu tố di truyền và môi trường có thể liên quan.

Có nhiều loại tác nhân kích thích có thể gây ra cơn hen suyễn. Một tác nhân có thể gây cơn hen ở người này nhưng ở người khác thì không. Quan trọng là người bệnh hen suyễn cần biết tác nhân nào gây ra cơn hen của mình và tránh xa chúng.

Dưới đây là các tác nhân kích thích hen phế quản thường gặp:

- Hút thuốc hoặc hút thuốc thụ động

- Mạt bụi

- Ô nhiễm không khí ngoài trời: nhà máy, xưởng công nghiệp, khí thải từ phương tiện giao thông, khói bụi, khói do đốt cỏ hay đám cháy...

- Ô nhiễm không khí trong nhà: khói do nấu nướng, đốt củi, nhang, nến...

- Động vật: lông chó, mèo, gián, chuột...

- Nấm mốc

- Nhiễm trùng đường hô hấp: cảm lạnh, cảm cúm hay virus hợp bào hô hấp

- Viêm xoang

- Dị ứng: thức ăn, phấn hoa, chất bảo quản thực phẩm...

- Hít phải một số hóa chất: chất tẩy rửa, chất khử trùng...

- Trào ngược axit

- Gắng sức khi tập thể dục hay gắng sức trong hoạt động khác

- Một số loại thuốc: aspirin, NSAID, thuốc chẹn beta...

- Không khí lạnh và khô, nhất là sự thay đổi nhiệt độ đột ngột

- Một số loại gia vị hay hương thơm: nước hoa

- Cảm xúc mạnh: lo lắng, căng thẳng, cười to, khóc lóc, la hét, tức giận

 
Cảm cúm có thể gây khởi phát cơn hen phế quản

5. Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh hen phế quản

Triệu chứng hen phế quản ở mỗi người không hoàn toàn giống nhau. Một số người bị hen suyễn chỉ có ho là triệu chứng duy nhất. Các triệu chứng cũng có thể khác nhau tùy theo từng cơn hen, có thể nhẹ ở lần này và nặng ở lần khác.

Một số người bị hen suyễn nhưng trải qua một đoạn thời gian không có bất kỳ triệu chứng nào, cho đến khi bị một cơn hen cấp do tiếp xúc với tác nhân kích thích. Một số người khác có triệu chứng hen suyễn mỗi ngày.

Triệu chứng đặc trưng của hen phế quản là:

- Ho

- Thở khò khè

- Khó thở

- Nặng ngực

Các triệu chứng hen phế quản thường xảy ra hoặc nặng hơn sau khi tiếp xúc với các dị nguyên (khói bụi, cỏ, lông động vật, hóa chất, thức ăn, thuốc...), sau nhiễm trùng đường hô hấp (cảm cúm, cảm lạnh), khi thời tiết thay đổi (trời trở lạnh, độ ẩm thấp), sau tập thể dục hoặc hoạt động gắng sức, hoạt động ở môi trường ô nhiễm, hoặc khi cảm xúc thay đổi dữ dội (cười lớn, khóc, lo lắng, căng thẳng...).

Cơn hen nhẹ có thể tự hết sau 5-15 phút, nhưng có thể kéo dài hàng giờ, hàng ngày. Cơn hen thường hết khi dùng thuốc cắt cơn hen.

 
Triệu chứng hen phế quản có thể xảy ra khi gắng sức

6. Biến chứng của hen phế quản

Người bị hen phế quản nếu điều trị đầy đủ và quản lý tốt vẫn sẽ có một cuộc sống năng động bình thường. 

Thậm chí nhiều trẻ em khi trưởng thành không cần dùng thuốc và không gặp triệu chứng hen suyễn nữa. Nhưng các trường hợp này ít gặp, và không được xem là khỏi hoàn toàn, vì họ vẫn có nguy cơ bị một cơn hen cấp trong tương lai nếu tiếp xúc với tác nhân kích thích.

Các cơn hen khiến người bệnh khó thở, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nếu người bị hen suyễn không điều trị sớm hoặc đầy đủ, bệnh sau đó sẽ khó điều trị hơn. 

Ngoài ra, các cơn hen nặng có thể khiến cơ thể thiếu oxy. Trong trường hợp không điều trị kịp thời và tích cực, có thể dẫn đến bất tỉnh và gây tử vong.

8. Cách chẩn đoán hen phế quản

Bác sĩ sẽ thăm khám phổi, hỏi triệu chứng và đặc điểm của cơn khó thở, cũng như tiền sử dị ứng hoặc bệnh lý của bạn và gia đình. Bên cạnh đó, cần thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán như:

- Đo hô hấp ký.

- Thử nghiệm gây co thắt phế quản.

- Kiểm tra dị ứng.

- Đo FENO.

Đo hô hấp ký là một bài thăm dò chức năng giúp chẩn đoán hen phế quản. Hô hấp ký cung cấp các chỉ số để đánh giá chức năng thông khí, trong đó FEV1 và FVC là 2 chỉ số quan trọng để chẩn đoán và xác định mức độ thông khí hạn chế hoặc tắc nghẽn. 

- FEV1 là thể tích thở ra gắng sức trong giây đầu tiên. FEV1 bình thường >80%.

- FVC là dung tích sống gắng sức. FVC bình thường > 80%.

Bạn có thể cần đo hô hấp ký lặp lại trong khi có triệu chứng, vào sáng sớm hay sau khi sử dụng các thuốc giãn phế quản. 

 
Đo hô hấp ký chẩn đoán hen phế quản

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các cận lâm sàng khác để chẩn đoán phân biệt với các tình trạng cũng gây ra ho, khó thở, nặng ngực như:

- Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

- Hội chứng tăng thông khí (Hyperventilation)

- Dị vật đường thở

- Tràn khí màng phổi

- Xơ nang (CF)

- Cơn hen tim

- Nhồi máu phổi

- Viêm phổi

- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

9. Cách điều trị bệnh hen phế quản

Mục tiêu điều trị và quản lý bệnh hen phế quản là giúp:

- Trẻ em và thanh thiếu niên có sự phát triển bình thường về thể chất, cảm xúc và trí tuệ.

- Giảm nhẹ triệu chứng và giảm nguy cơ đợt hen cấp.

- Cải thiện chất lượng cuộc sống, tham gia bình thường vào các hoạt động thể chất và xã hội.

- Đảm bảo chức năng phổi tốt nhất có thể.

- Hạn chế nguy cơ tương lai như tử vong do hen, giới hạn luồng khí thở dai dẳng.

- Hạn chế tác dụng phụ của thuốc điều trị hen.

 
Điều trị hen phế quản giúp hẹn chế đợt hen cấp

a. Điều trị hen phế quản không dùng thuốc

Điều trị hen suyễn không dùng thuốc bao gồm:

- Tránh xa các tác nhân kích thích: Thức ăn gây dị ứng, ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời, không khí lạnh, mạt bụi, lông động vật, phấn hoa, nấm mốc, khói đốt, hóa chất...

- Giáo dục bệnh nhân về kiến thức và kế hoạch hành động chống hen suyễn: Thói quen lối sống, kỹ thuật sử dụng thuốc hít - phun, tuân thủ điều trị, nhận biết dấu hiệu cơn hen cấp và cách xử trí, tự theo dõi triệu chứng và/hoặc máy đo lưu lượng đỉnh, tái khám định kỳ...

- Tập thể dục: Giúp giảm triệu chứng, cải thiện khả năng chịu đựng, nâng cao sức khỏe tổng thể.

- Cai thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá thụ động.

- Kiểm soát tốt cảm xúc và điều trị tâm lý xã hội nếu cần.

- Giảm cân nếu thừa cân béo phì.

- Có biện pháp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, không tiếp xúc với người bệnh, tiêm phòng vaccine...

 
Sử dụng thuốc điều trị hen phế quản 

b. Điều trị hen phế quản bằng thuốc

Điều trị hen phế quản bằng thuốc giúp ức chế tình trạng viêm phế quản, giảm tình trạng tăng phản ứng phế quản và tắc nghẽn đường thở. 

Nếu bị hen suyễn, bạn cần dùng thuốc kiểm soát hen để phòng ngừa và điều trị duy trì, bao gồm corticosteroid dạng hít (ICS) và thuốc đồng vận beta 2 tác dụng kéo dài (LABA).

Thuốc cắt cơn hen (thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh) được dùng để giảm triệu chứng khi cần, chủ yếu bao gồm các thuốc đồng vận beta 2 dạng hít tác dụng nhanh. Trong điều trị hen suyễn, giảm nhu cầu hoặc cắt nhu cầu dùng thuốc cắt cơn hen là mục tiêu hướng đến.

Trong trường hợp hen nặng, đã điều trị tối ưu với thuốc kiểm soát hen nhưng người bệnh vẫn có triệu chứng hen dai dẳng và các đợt cấp, cần điều trị phối hợp với các thuốc khác.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ theo dõi và điều trị các bệnh đi kèm nếu có như: bệnh trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn sức khỏe tâm thần (lo âu, trầm cảm), dị ứng phản vệ, viêm mũi, viêm xoang, polyp mũi...

Nhìn chung, khi có các cơn khó thở, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán xem đó có phải bệnh hen phế quản không hay một tình trạng bệnh lý khác. Để điều trị hen phế quản hiệu quả, bạn cần hết sức hợp tác với bác sĩ và nhân viên y tế.