THÔNG TIN BẠN CẦN BIẾT VỀ BỆNH HEN SUYỄN (HEN PHẾ QUẢN)

Hen suyễn (hen phế quản) là bệnh hô hấp đặc trưng bởi tình trạng đường khí thở bị viêm mạn tính, gây khó thở và cản trở hoạt động của người bệnh. Hen suyễn là bệnh nghiêm trọng nhưng chỉ cần điều trị và kiểm soát bệnh tốt sẽ đảm bảo được chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

 
Hen suyễn là tình trạng gây giới hạn đường khí thở

1. Bệnh hen suyễn là gì?

Bệnh hen suyễn (Asthama), còn gọi là hen phế quản (Bronchial asthma), là bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí. Điều này làm tăng phản ứng của phế quản với tác nhân kích thích, dẫn đến tình trạng phù nề, co thắt phế quản, tăng tiết đờm; gây ra các triệu chứng hen điển hình là thở khò khè, khó thở, nặng ngực và ho.

Hen phế quản là bệnh không lây nhiễm nghiêm trọng, rất phổ biến ở cả người lớn và trẻ em. Theo thống kê của WHO, năm 2019, bệnh ảnh hưởng đến khoảng 262 triệu người trên thế giới và khiến 455.000 người tử vong. 

Trong tình trạng hen suyễn nặng có thể đe dọa tính mạng vì không khí không thể vào hoặc ra khỏi phổi, gây thiếu oxy toàn thân.

Mặc dù là bệnh nghiêm trọng, nhưng bệnh nhân hen suyễn vẫn có thể có một cuộc sống bình thường nếu sử dụng thuốc đúng cách để kiểm soát triệu chứng và tránh các tác nhân gây ra cơn hen.
Bệnh hen suyễn có thể bị chẩn đoán nhầm với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản hay viêm phế quản co thắt...

 
Hen suyễn gặp ở cả người lớn và trẻ em

2. Nguyên nhân gây bệnh hen suyễn

Hen suyễn là bệnh đa yếu tố, khó tìm ra được nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh. Sự kết hợp của các yếu tố dưới đây có thể góp phần gây ra tình trạng này:

- Yếu tố di truyền: Tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị bệnh dị ứng.

- Tiếp xúc với các tác nhân từ môi trường có thể kích thích và gây viêm đường hô hấp.

Khi bị hen suyễn, phế quản sẽ phản ứng với các tác nhân trong môi trường, được gọi là tác nhân gây hen suyễn. Chúng gây ra triệu chứng hoặc làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn.

Các tác nhân gây ra triệu chứng hen phế quản phổ biến là:

- Khói thuốc lá

- Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp: cảm lạnh, cúm

- Viêm xoang mạn tính

- Ô nhiễm không khí ngoài trời

- Chất gây dị ứng: phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, mạt nhà, côn trùng...

- Hóa chất tẩy rửa hoặc nước hoa

- Hoạt động gắng sức

- Không khí lạnh, thời tiết giao mùa

- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản 

- Cảm xúc mạnh: lo lắng, cười to, buồn bã, căng thẳng

- Một số loại thuốc như aspirin, thuốc chẹn beta

 
Tác nhân trong môi trường dẫn đến khởi phát hen suyễn

3. Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh hen suyễn

Triệu chứng của bệnh hen suyễn ở mỗi người có thể khác nhau. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

- Ho, nhất là về đêm

- Nặng tức ngực

- Thở khò khè, thở rít

- Hụt hơi, khó thở (thường ở giai đoạn cấp tính)

Cơn khó thở hen suyễn có đặc điểm: lúc bắt đầu khó thở chậm, thấy khó thở khi thở ra, có tiếng cò cứ. Sau đó khó thở tăng dần, khó thở nhiều, vã mồ hôi, nói từng từ hoặc ngắt quãng. Cơn khó thở kéo dài 5-15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Cơn khó thở giảm dần và kết thúc với ho và khạc đờm trong, dính.

Các triệu chứng hen suyễn thường khởi phát hoặc nặng hơn vào ban đêm, khi tập thể dục, khi bị cảm cúm, cảm lạnh hoặc khi thời tiết thay đổi. Ngoài ra, có thể nặng hơn khi tiếp xúc với các tác nhân như: bụi, khói, cỏ, phán hoa, lông động vật, hóa chất, nước hoa...

 
Hen suyễn gây khó thở

4. Đối tượng có nguy cơ bị bệnh hen suyễn

Mặc dù bệnh hen suyễn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng những đối tượng sau có nguy cơ cao hơn:

- Dân tộc: Hen suyễn phổ biến hơn ở người gốc Phi và gốc Puerto Rico.

- Giới tính: Ở trẻ em, bé trai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bé gái với tỷ lệ 2:1. Ở thanh thiếu niên và người lớn, hen suyễn phổ biến hơn ở nữ giới. Đặc biệt hen suyễn khởi phát sau tuổi 40 hầu hết là nữ.

- Tiền sử bản thân: Viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, dị ứng thuốc, thức ăn.

- Tiền sử gia đình: Có người mắc hen suyễn và/hoặc các bệnh dị ứng.

- Sống ở thành phố: Đô thị hóa gia tăng tỷ lệ mắc hen suyễn.

- Những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của phổi: Cân nặng khi sinh thấp, sinh non, tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc ô nhiễm từ môi trường, nhiễm trùng đường hô hấp.

- Tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng và kích thích từ môi trường: Ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời, mạt bụi nhà, nấm mốc, khói thuốc lá, phấn hoa, lông động vật...

- Phơi nhiễm nghề nghiệp: Công việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, khói, bụi sẽ có nguy cơ cao hơn.

- Thừa cân béo phì: Làm tăng nguy cơ hen suyễn ở cả người lớn và trẻ em.

 
Người có tiền sử dị ứng có nguy cơ hen suyễn cao hơn

5. Cách chẩn đoán bệnh hen suyễn

Bệnh hen suyễn được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình, cùng với các xét nghiệm cận lâm sàng.

a. Hỏi bệnh 

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn các câu hỏi:

- Bạn gặp triệu chứng gì?

- Thời điểm xuất hiện triệu chứng?

- Có từng bị cơn khó thở kiểu hen bao giờ chưa? Đặc điểm cơn khó thở, mức độ nặng nhẹ và thời gian kéo dài của mỗi cơn?

- Tiền sử bản thân có mắc bệnh dị ứng hay dị ứng với thức ăn, thuốc nào không?

- Tiền sử gia đình có người mắc hen phế quản hoặc bệnh dị ứng nào không?

- Có tiếp xúc với các yếu tố kích thích không?

b. Khám thực thể

Bác sĩ sẽ kiểm tra phổi để phát hiện tiếng ran rít, ran ngáy khi nghe phổi hoặc tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh lý kèm theo như viêm mũi dị ứng hay polyp mũi.

c. Đo hô hấp ký

Đo hô hấp ký nhằm mục đích ghi nhận giới hạn luồng khí thở ra dao động. Hô hấp ký cung cấp các chỉ số FEV1 và FVC để đánh giá khả năng hô hấp và lưu thông không khí. Đây là tiêu chuẩn để khẳng định chẩn đoán bệnh hen suyễn.

 
Đo hô hấp ký chẩn đoán hen suyễn

d. Các xét nghiệm khác

Bên cạnh khai thác tiền sử triệu chứng và đo hô hấp ký, có thể cần làm thêm các xét nghiệm khác để hỗ trợ chẩn đoán như:

- Thử nghiệm gây co thắt phế quản: Sử dụng tác nhân kích thích (vd: methacholine hít, histamine, vận động...) để đánh giá phản ứng của đường thở.

- Kiểm tra dị ứng: Sử dụng test lẩy da hoặc xét nghiệm máu đo nồng độ IgE để phát hiện có tình trạng quá mẫn với dị nguyên hô hấp, góp phần vào triệu chứng hen.

- Đo FENO: Kiểm tra nồng độ Oxit Nitric trong khí thở ra.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các cận lâm sàng khác để chẩn đoán phân biệt với các tình trạng dễ nhầm lẫn với hen (vd: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, bất thường đường thở, trào ngược dạ dày thực quản, rò thực quản, giãn phế quản...). Các xét nghiệm như:

- X-quang tim phổi hoặc chụp cắt lớp vi tính CT Scan.

- Đo điện tâm đồ.

- Nội soi dạ dày thực quản. 

- Xét nghiệm đờm/máu.

Việc chẩn đoán sớm bệnh hen suyễn sẽ giúp bệnh nhân bắt đầu điều trị sớm và giảm nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng của bệnh hen suyễn.

 
Chẩn đoán sớm giúp bệnh nhân hen suyễn kiểm soát hen tốt hơn

6. Cách điều trị bệnh hen suyễn

Điều trị bệnh hen suyễn tập trung vào việc kiểm soát và giảm nhẹ các triệu chứng, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đồng thời hạn chế nguy cơ tương lai như tử vong do hen, đợt hen cấp, giới hạn luồng khí dai dẳng và tác dụng phụ của thuốc.

Điều trị hen suyễn bao gồm:

a.  Dùng thuốc

Theo khuyến cáo của GINA (Chiến lược toàn cầu về hen), tất cả người bị hen phế quản nên điều trị bằng thuốc kiểm soát hen có ICS – giúp giảm các đợt cấp nặng, thậm chí với cả những bệnh nhân có triệu chứng không thường xuyên. Đồng thời, luôn mang theo thuốc cắt cơn bên mình mọi lúc, mọi nơi.

Thuốc điều trị hen có 3 loại chính là: 

- Thuốc kiểm soát hen: Là thuốc dùng duy trì để điều trị hen, có tác dụng giảm tình trạng viêm đường thở, nhờ đó làm giảm nguy cơ đợt cấp hen và khó thở.

- Thuốc cắt cơn hen: Là thuốc dùng để cắt cơn hen và giảm triệu chứng khi bệnh nhân bị đợt cấp hen hoặc khi có cơn khó thở.

- Thuốc điều trị phối hợp với hen nặng: Là thuốc dùng khi các thuốc ở trên cùng với việc phòng tránh yếu tố nguy cơ không cải thiện được bệnh, người bệnh có triệu chứng hen dai dẳng và vẫn còn đợt cấp.

Điều trị hen suyễn có 5 bậc thuốc. Hen là bệnh cần phải điều trị lâu dài, bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc kiểm soát hen tăng hoặc giảm bậc phụ thuộc vào triệu chứng, nguy cơ trong tương lai, tác dụng phụ của thuốc và cả khả năng tuân thủ điều trị, thói quen của người bệnh.

Do đó, bệnh nhân hen suyễn cần hợp tác tốt với bác sĩ và nhân viên y tế trong quá trình điều trị bệnh, bao gồm tuân thủ liều lượng thuốc và tái khám theo lịch hẹn. 

Bệnh nhân cũng cần có kiến thức về bệnh hen của chính mình và cách sử dụng ống hít để kiểm soát bệnh tốt hơn.

 
Thuốc cắt cơn hen giúp giảm triệu chứng

b. Quản lý thói quen lối sống

Bên cạnh điều trị bằng thuốc, quản lý tốt thói quen lối sống cũng rất quan trọng để giảm các đợt cấp. 
Bệnh nhân hen phế quản cần:

- Tránh xa khói thuốc lá: Bệnh nhân hen cần cai thuốc lá. Nếu không thể tự cai thuốc lá, có thể sử dụng các phương pháp hỗ trợ cai thuốc hoặc đến cơ sở cung cấp dịch vụ cai thuốc lá. Cần tránh khói thuốc lá thụ động.

- Tập thể dục: Tham gia tập luyện thể lực sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể cho bệnh nhân hen. Nhưng cần biết cách xử trí cơn hen do gắng sức.

- Tránh các thuốc có thể làm bệnh hen nặng lên: Luôn thông báo cho bác sĩ về bệnh hen của mình khi được kê thuốc mới, nhất là thuốc kháng viêm không steroid hoặc thuốc chẹn beta.

- Có chế độ ăn phù hợp: Bệnh nhân hen nên ăn nhiều rau củ và trái cây tươi. Tránh các thức ăn có thể gây dị ứng, đặc biệt là những thức ăn gây dị ứng đã biết trước đó.

- Giữ không khí trong nhà sạch sẽ: Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, tránh các hoạt động gây ô nhiễm như đốt củi, đốt nhang, nướng khói.. Nếu sử dụng phải thông khí ra ngoài. 
- Tránh không khí ô nhiễm ngoài trời: Kiểm tra chất lượng không khí trước khi ra khỏi nhà, không tập thể dục gần các khu vực ô nhiễm.

- Tránh không khí lạnh: Không hoạt động thể lực cường độ cao khi thời tiết lạnh hoặc độ ẩm thấp.

- Đeo khẩu trang: Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh đường hô hấp, hoặc khi đến khu vực đông người đang có dịch hô hấp lây lan.

- Kiểm soát tốt cảm xúc: Cười to, khóc, giận dữ, sợ hãi có thể làm khởi phát triệu chứng hen. Nếu bệnh nhân không dùng thuốc kiểm soát hen, cần kiểm soát tốt cảm xúc của mình bằng cách hít thở, thư giãn...

- Tránh yếu tố kích thích cơn hen khác: Yếu tố nguy cơ ở mỗi người có thể không giống nhau, nếu nhận dạng và điều chỉnh được các yếu tố nguy cơ đó là tốt nhất.

- Tiêm phòng vaccine cúm, phế cầu: Bệnh nhân hen suyễn nên tiêm phòng vaccine nhằm giảm đợt cấp hen.

 
Bệnh nhân hen suyễn cần tránh ô nhiễm không khí

c. Đánh giá và điều trị bệnh đi kèm

Bệnh nhân hen phế quản cũng cần được đánh giá và điều trị các bệnh đi kèm (nếu có) như:

- Béo phì

- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

- Rối loạn lo âu, trầm cảm

- Dị ứng thức ăn và phản vệ

- Viêm mũi, viêm xoang, polyp mũi

Kế hoạch điều trị bệnh hen sẽ được điều chỉnh phù hợp với từng bệnh nhân. 

7. Những lưu ý quan trọng cho bệnh nhân hen suyễn

Bệnh nhân hen suyễn cần lưu ý:

- Có kỹ năng sử dụng hiệu quả các bình hít: Điều này rất quan trọng để kiểm soát hen tốt, giảm nguy cơ bị đợt cấp và giảm khả năng bị tác dụng phụ của thuốc.

- Tuân thủ việc dùng thuốc và các lời khuyên khác của bác sĩ: Sử dụng thuốc kiểm soát hen liên tục theo chỉ định của bác sĩ để triệu chứng hen không xuất hiện. Ngay cả những bệnh nhân ít có triệu chứng hen cũng cần sử dụng thuốc đều đặn, nếu không sẽ khiến bệnh khó kiểm soát hơn.

- Tự theo dõi triệu chứng: Bệnh nhân cần tự theo dõi triệu chứng hen của mình và tự xử trí khi triệu chứng trở nặng. Ở bệnh nhân không biết triệu chứng hen trở nặng có thể dùng lưu lượng đỉnh kế để theo dõi.

- Biết cách xử trí khi triệu chứng thay đổi: Khi triệu chứng và/hoặc lưu lượng đỉnh thay đổi, bệnh nhân cần biết cách tạm thời thay đổi điều trị. Đồng thời biết khi nào cần gọi bác sĩ hoặc liên hệ cơ sở y tế.

- Khám định kỳ: Bệnh nhân cần tái khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra mức độ kiểm soát bệnh, triệu chứng và các yếu tố nguy cơ, đánh giá bệnh đồng mắc, hướng dẫn điều trị mới...

 
Bệnh nhân hen suyễn cần đem theo thuốc bên mình

8. Những câu hỏi thường gặp về bệnh hen suyễn

a. Hen suyễn có thể chữa khỏi hoàn toàn không?

Hen suyễn thường gặp ở trẻ em hơn người lớn, khoảng 66% các trường hợp được chẩn đoán bệnh trước 18 tuổi. Gần 50% trẻ em mắc bệnh hen suyễn được điều trị sẽ giảm mức độ nghiêm trọng hoặc thậm chí không còn triệu chứng khi trưởng thành.

Một số người bị hen suyễn trải qua một thời gian dài không có triệu chứng, gần như khỏi hoàn toàn. Các trường hợp như vậy chỉ là số ít. Và hen suyễn vẫn có khả năng trở lại trong cuộc sống sau này hoặc nếu tiếp tục tiếp xúc với các tác nhân gây khởi phát hen.

Mặc dù không có phương pháp chữa trị hoàn toàn, nhưng nếu điều trị kịp thời và kiểm soát bệnh hiệu quả, người bệnh hen suyễn vẫn sẽ có một cuộc sống năng động và chất lượng.

b. Tôi có thể tập thể dục khi mắc bệnh hen suyễn không?

Tập thể dục có thể giúp cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân hen suyễn, nhưng cần được điều chỉnh theo tình trạng sức khỏe cụ thể. Ngoài ra, tập gắng sức, nhất là khi thời tiết lạnh hoặc trong môi trường không khí ô nhiễm, cũng là yếu tố nguy cơ gây cơn hen cấp. Bạn cần biết cách xử trí nếu tình huống này xảy ra.

c. Bệnh hen suyễn có phải bệnh lây truyền không?

Hen suyễn không phải bệnh gây ra do virus hay vi khuẩn, do đó bệnh không có khả năng lây nhiễm cho người khác.

d. Dấu hiệu nào cảnh báo sớm một cơn hen cấp?

Các dấu hiệu đó là:

- Ho thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm.

- Dễ bị hụt hơi hoặc khó thở.

- Cảm thấy rất mệt mỏi hoặc yếu đuối khi tập thể dục.

- Khò khè hoặc ho sau khi tập thể dục.

- Cảm thấy mệt mỏi, dễ buồn bã, cáu kỉnh hoặc ủ rũ.

- Giảm hoặc thay đổi chức năng phổi được đo trên máy đo lưu lượng đỉnh.

- Dấu hiệu cảm lạnh hoặc dị ứng (hắt hơi, sổ mũi, ho, nghẹt mũi, đau họng và nhức đầu).

- Khó ngủ.

Nếu bạn có những dấu hiệu cảnh báo này, hãy điều chỉnh thuốc như kế hoạch hành động chống hen suyễn mà bác sĩ đã hướng dẫn cho bạn.

Tham khảo:
webmd.com/asthma/what-is-asthma 
who.int/news-room/fact-sheets