HẠ HUYẾT ÁP (HUYẾT ÁP THẤP): NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, MỨC ĐỘ NGUY HIỂM

Hạ huyết áp (huyết áp thấp) là tình trạng giảm huyết áp toàn thân xuống giá trị thấp hơn 90/60 mmHg, xảy ra sau khi ăn, khi đứng lên, do sốc, căng thẳng hoặc một số tình trạng sức khỏe khác. Hạ huyết áp thường không cần điều trị nếu không gây ra triệu chứng. Nhưng hạ huyết áp có triệu chứng cần được điều trị vì nó nguy hiểm không kém so với tăng huyết áp.

1. Hạ huyết áp (huyết áp thấp) là gì?

Hạ huyết áp hay huyết áp thấp (hypotension) là tình trạng áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch thấp hơn bình thường. 

Mỗi khi tim đập, máu sẽ được bơm vào động mạch để cung cấp cho cơ thể. Đây là lúc huyết áp cao nhất, gọi là huyết áp tâm thu. Khoảng thời gian nghỉ giữa các nhịp tim, huyết áp sẽ giảm xuống, được gọi là huyết áp tâm trương.

Khi đo huyết áp, màn hình sẽ thể hiện huyết áp tâm thu liệt kê trước huyết áp tâm trương, tính bằng milimet thủy ngân (mmHg). Ở hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh, huyết áp bình thường dưới 120/80 mmHg.

Huyết áp thấp là khi đo huyết áp, chỉ số huyết áp tâm thu ≤ 90 mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương ≤ 60 mmHg. Ví dụ: 90/60 mmHg hay 100/60 mmHg đều được xem là huyết áp thấp.

Một số người luôn có huyết áp thấp hơn bình thường nhưng không gây ra triệu chứng nào, do đó không cần điều trị. Ở những người khác, huyết áp có thể giảm do tình trạng bệnh lý hoặc một số loại thuốc. Huyết áp thấp nguy hiểm nếu nó gây ra triệu chứng như chóng mặt, ngất xỉu, và trong trường hợp nghiêm trọng là sốc. 

Ở người bị hạ huyết áp, nếu tim, não, gan, phổi hay thận… không nhận đủ lưu lượng máu chứa oxy cần thiết có thể gây tổn thương các cơ quan này. Cũng như tăng huyết áp, trong trường hợp này nó cũng làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. 

 
Hạ huyết áp có thể gây ra các vấn đề về thần kinh

2. Các loại hạ huyết áp

Có một số loại hạ huyết áp thường gặp phân loại theo thời điểm xảy ra và nguyên nhân gây ra nó là:

- Hạ huyết áp tư thế đứng: Là tình trạng tụt huyết áp xảy ra khi chuyển tư thế từ ngồi hoặc nằm sang tư thế đứng. Các triệu chứng thường gặp là chóng mặt, lâng lâng. Đây là một dạng hạ huyết áp phổ biến, nhất là ở người lớn tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây ra hạ huyết áp tư thế đứng như mất nước, nằm lâu trên giường, mang thai, bệnh đái tháo đường, bệnh Parkinson…

- Hạ huyết áp sau ăn: Là tình trạng tụt huyết áp xảy ra trong 1-2 giờ sau khi ăn. Dạng này phổ biến hơn ở người lớn tuổi, nhất là người bị bệnh tăng huyết áp và người bị rối loạn chức năng tự chủ (như bệnh Parkinson).

- Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh: Là tình trạng tụt huyết áp xảy ra sau khi đứng trong thời gian dài hoặc khi có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ (vd: sốc, sợ hãi). Dạng này thường ảnh hưởng đến thanh niên và trẻ em. Được cho là do có bất thường trong phản xạ giữa tim và não. 

Một số loại hạ huyết áp khác có thể xảy ra trong quá trình sốc, hoặc là tác dụng phụ của một số loại thuốc, hoặc do các bệnh lý ảnh hưởng đến tim, dây thần kinh, gan hoặc nội tiết.

Một người đang dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp có thể bị hạ huyết áp nếu sử dụng thuốc sai cách.

 
Hạ huyết áp tư thế đứng là dạng phổ biến

3. Nguyên nhân gây hạ huyết áp

Có nhiều nguyên nhân gây hạ huyết áp. Một số người luôn có huyết áp thấp hơn bình thường, kể cả khi nghỉ ngơi nhưng nó không gây ra triệu chứng. Trong những trường hợp này, nguyên nhân của huyết áp thấp thường không rõ ràng.

Các trường hợp thường gây hạ huyết áp đột ngột là:

- Đứng lên một cách nhanh chóng khi đang ngồi hay nằm.

- Sau bữa ăn.

- Cảm xúc căng thẳng, sợ hãi, bất an hoặc đau đớn.

Một số tình trạng có thể gây hạ huyết áp là:

- Bệnh thần kinh: Parkinson.

- Lượng máu thấp: Mất máu nặng do chấn thương, tai nạn, chảy máu trong, hiến máu, tình trạng rong kinh.

- Mất nước (vd: do sốt, nôn mửa hoặc tiêu chảy).

- Mang thai: Thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai.

- Các tình trạng đe dọa tính mạng: Rối loạn nhịp tim, thuyên tắc phổi, tràn khí màng phổi, đau tim, sốc phản vệ, nhiễm trùng máu…

- Bệnh lý tim phổi: Tim đập nhanh, tim đập chậm, suy giảm chức năng phổi, suy tim.

- Một số loại thuốc điều trị bệnh: Tăng huyết áp, suy tim, rối loạn cương dương, trầm cảm, thần kinh, v.v.

- Rượu hoặc một số thuốc, thực phẩm chức năng, hóa chất khác.

Người lớn tuổi cũng có nguy cơ mắc các triệu chứng huyết áp thấp cao hơn, chẳng hạn như ngã, ngất xỉu hoặc chóng mặt khi đứng dậy hoặc sau bữa ăn. Người lớn tuổi có nhiều khả năng bị huyết áp thấp do tác dụng phụ của thuốc dùng để kiểm soát huyết áp cao.

 
Căng thẳng về mặt cảm xúc có thể gây hạ huyết áp

4. Hạ huyết áp có nguy hiểm không

Hầu hết các trường hợp hạ huyết áp không gây ra ảnh hưởng gì, không có triệu chứng thì không nguy hiểm, được xem là tương đối lành tính.

 Nhưng hạ huyết áp gây ra triệu chứng có thể nguy hiểm vì các biến chứng:

- Ngã và chấn thương do ngã: Xảy ra do hạ huyết áp gây chóng mặt và ngất xỉu. Ngã có thể gây gãy xương, chấn thương nội tạng cho đến đe dọa tính mạng.

- Sốc: Tụt huyết áp làm các cơ quan thiếu lượng máu cần thiết để hoạt động, gây tổn thương nội tạng hoặc sốc.

- Các vấn đề tim mạch hoặc đột quỵ: Tụt huyết áp khiến tim cố gắng hoạt động để bù đắp lượng máu cho cơ thể. Theo thời gian có thể dẫn đến suy giảm chức năng tim và suy tim. Hạ huyết áp cũng có thể gây ra các vấn đề như huyết khối tĩnh mạch sâu và đột quỵ.

5. Triệu chứng của hạ huyết áp

Hạ huyết áp có thể gây ra các triệu chứng như:

- Cảm giác choáng váng, lâng lâng, chóng mặt, xây xẩm mặt mày.

- Lú lẫn.

- Hoa mắt.

- Đau đầu.

- Ngất xỉu hoặc suýt ngất.

- Cảm thấy mệt mỏi, yếu sức, chân tay bủn rủn.

- Da xanh xao, nhợt nhạt.

- Tay chân lạnh, nhức mỏi tê bì.

- Tim đập nhanh, đánh trống ngực.

- Buồn nôn, nôn mửa.

 
Hạ huyết áp có thể gây ngất xỉu

6. Cần làm gì nếu bị tụt huyết áp

Khi bị tụt huyết áp, bạn nên ngồi xuống để làm giảm triệu chứng, đồng thời uống nước (nước trà, nước lọc…) để tạm thời nâng chỉ số huyết áp lên. Nếu huyết áp quá thấp có thể dẫn đến sốc với các triệu chứng: da lạnh, da tím tái, đổ mồ hôi, thở nhanh, mạch yếu và nhanh. Tình trạng này cần gọi cấp cứu.

7. Chẩn đoán hạ huyết áp như thế nào

Chẩn đoán hạ huyết áp rất đơn giản. Bạn chỉ cần tiến hành đo huyết áp bằng máy đo huyết áp. Nhưng để biết nguyên nhân gây hạ huyết áp thì bạn cần làm các xét nghiệm khác nhau để tìm ra nguyên nhân của tình trạng này. Đó là lý do nếu bạn bị hạ huyết áp và có triệu chứng thì bạn nên đi khám bác sĩ.

Các xét nghiệm có thể được chỉ định để chẩn đoán nguyên nhân gây hạ huyết áp là:

- Xét nghiệm máu.

- Xét nghiệm nước tiểu.

- Điện tâm đồ.

- Siêu âm tim.

- Chụp X-quang ngực.

8. Cách điều trị hạ huyết áp

Hạ huyết áp không có triệu chứng thường không cần điều trị. Hạ huyết áp có triệu chứng thì cần điều trị nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng này.

Nếu hạ huyết áp do mất máu thì cần hồi sức bằng dịch truyền và điều trị nguyên nhân gây chảy máu làm ngừng chảy máu.

Nếu nghi ngờ một loại thuốc nào đó là nguồn gốc gây hạ huyết áp thì bác sĩ sẽ yêu cầu ngừng thuốc hoặc thay thế bằng một loại thuốc khác. Lưu ý là bạn không nên tự ý ngưng sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào mà bác sĩ đã chỉ định, ví dụ các thuốc để điều trị bệnh tim mạch, đái tháo đường hay trầm cảm. 

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn một số cách thay đổi lối sống như cách đứng dậy, lưu ý khi ăn, khi vận động… để hạn chế hạ huyết áp.

Việc sử dụng thuốc hoặc một số phương pháp điều trị khác để điều trị hạ huyết áp sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó.

 
Cần đi khám bác sĩ nếu bạn bị hạ huyết áp

9. Lưu ý cho người bị hạ huyết áp

Một số điều người bị huyết áp thấp cần lưu ý để phòng ngừa bệnh:

- Uống nhiều nước.

- Thêm muối trong bữa ăn hàng ngày, lượng muối thêm vào cần hỏi ý kiến bác sĩ.

- Bổ sung thực phẩm chứa đạm, vitamin nhóm B.

- Hạn chế uống rượu bia.

- Hạn chế thực phẩm giàu carbohydrate.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Thường xuyên kiểm tra huyết áp bằng máy đo huyết áp tại nhà.