ĐAU THẮT NGỰC KHÔNG ỔN ĐỊNH LÀ GÌ?

Đau thắt ngực không ổn định (hội chứng mạch vành cấp) xảy ra khi mảng xơ vữa động mạch bị nứt vỡ và hình thành cục máu đông làm giảm nghiêm trọng lưu lượng máu đến vùng cơ tim được động mạch vành đó nuôi dưỡng. Nếu không điều trị kịp thời, hậu quả của đau thắt ngực không ổn định cũng nặng nề không kém so với nhồi máu cơ tim.

 
Đau thắt ngực không ổn định là tình trạng nguy hiểm

1. Đau thắt ngực không ổn định là gì?

Đau thắt ngực không ổn định là một tình trạng của hội chứng mạch vành cấp. Hai tình trạng khác là nhồi máu cơ tim có ST chênh lên và nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên.

Đau thắt ngực không ổn định xảy ra do sự không ổn định và vỡ ra của mảng xơ vữa động mạch vành, dẫn đến lưu lượng máu nuôi cơ tim bị giảm nghiêm trọng.

Mảng xơ vữa mạch vành bị nứt vỡ và cục máu đông hình thành sau đó cũng có thể gây ra nhồi máu cơ tim. Sự khác nhau ở đây là trong nhồi máu cơ tim, mảng vỡ lớn và cục máu đông hình thành ồ ạt lấp toàn bộ lòng mạch. Còn trong đau thắt ngực không ổn định, mảng vỡ nhỏ hơn và cục máu đông chưa gây tắc hoàn toàn động mạch vành.

Đau thắt ngực không ổn định cũng cần được xử trí như nhồi máu cơ tim vì tính chất khó phân biệt với nhồi máu cơ tim và có thể tiến triển đến nhồi máu cơ tim.

2. Triệu chứng của đau thắt ngực không ổn định

Triệu chứng của đau thắt ngực không ổn định:

- Thời điểm đau: Xảy ra khi gắng sức và cả khi nghỉ ngơi, có thể xảy ra vào ban đêm.

- Vị trí đau: Đau ở vùng giữa phía sau xương ức. Cơn đau có thể lan lên cổ, xương hàm, vai, tay, thượng vị, sau lưng; hay gặp hơn là đau lan hướng vai trái xuống mặt trong cánh tay trái, có khi xuống tận ngón tay áp út và ngón út.

- Đặc điểm đau: Đau kiểu co thắt lại, cảm giác bị ép, đè nặng, đau rát và đôi khi cảm giác buốt giá.

- Thời gian đau: Kéo dài 5-30 phút, không thuyên giảm khi nghỉ ngơi, sử dụng thuốc giãn mạch không có hoặc ít có hiệu quả.
Các triệu chứng kèm theo cơn đau thắt ngực:

- Khó thở, hụt hơi.

- Đánh trống ngực, hồi hộp.

- Mệt lả.

- Buồn nôn

- Chóng mặt

- Vã mồ hôi.

 
Đau thắt ngực không ổn định gây ra cơn đau thắt ở vùng ngực

3. Phân biệt đau thắt ngực không ổn định và đau thắt ngực ổn định

Đau ngực là biểu hiện có thể gặp trong nhiều tình trạng khác nhau như các bệnh lý động mạch vành do xơ vữa hoặc bệnh lý mạch vành không do xơ vữa, hoặc do các bệnh lý về tim hoặc tình trạng khác. Thường gặp hơn là trong hội chứng mạch vành do xơ vữa, có thể gây ra cơn đau thắt ngực ổn định hoặc không ổn định.

Đặc điểm đau của đau thắt ngực ổn định và không ổn định là như nhau. 

Đau thắt ngực ổn định có tính chất ngắn hơn (2-5 phút), xuất hiện khi gắng sức và giảm bớt khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc giãn mạch. Trong đau thắt ngực ổn định, mảng xơ vữa không bị nứt vỡ mà ổn định, chỉ gây hẹp thành mạch. Đây là tình trạng cần được điều trị vì có thể chuyển thành đau thắt ngực không ổn định.

Cơn đau thắt ngực không ổn định có tính chất dữ dội hơn, kéo dài hơn, có thể xảy ra cả khi nghỉ ngơi, và được xem là một tình trạng cần xử trí như nhồi máu cơ tim. 

Thường người bệnh sẽ có các cơn đau thắt ngực không ổn định, sau đó là giai đoạn ổn định, nếu không điều trị tốt thì cơn đau thắt ngực không ổn định có thể xuất hiện thường xuyên, nghiêm trọng hơn giữa các đợt ổn định.

4. Ai có nguy cơ bị đau thắt ngực không ổn định?

Nguy cơ của đau thắt ngực không ổn định giống như nguy cơ của nhồi máu cơ tim, bao gồm các yếu tố có thể thay đổi được và các yếu tố không thể thay đổi được.

a. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi

- Tăng huyết áp

- Rối loạn lipid máu

- Đái tháo đường

- Béo phì

- Lối sống: hút thuốc lá, nghiện rượu, ít vận động

- Tâm lý: căng thẳng, trầm cảm, rối loạn lo âu

b. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

- Lớn tuổi

- Nam giới và phụ nữ mãn kinh

- Tiền sử gia đình có người bị xơ vữa động mạch sớm.

 
Đau thắt ngực không ổn định thường gặp hơn ở người già

5. Cần làm gì khi bị đau thắt ngực không ổn định?

Vì tính chất khó phân biệt với nhồi máu cơ tim nên khi người bệnh có các triệu chứng của đau thắt ngực không ổn định cần đi khám ngay.
Bên cạnh đó, đau thắt ngực không ổn định còn có thể diễn tiến và chuyển thành nhồi máu cơ tim, do đó không được chủ quan.

6. Cách chẩn đoán đau thắt ngực không ổn định

Chẩn đoán đau thắt ngực không ổn định bằng các xét nghiệm cận lâm sàng như:

- Xét nghiệm máu men tim (CK, CK-MB, Troponin T và I): Để phân biệt với nhồi máu cơ tim. Trong nhồi máu cơ tim, các men tim này tăng cao. Trong đau thắt ngực không ổn định, các men tim này không thay đổi. Một số trường hợp có thể tăng men tim và đây là dấu hiệu tiên lượng xấu.

- Điện tâm đồ: Xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán.

- Siêu âm tim: Đánh giá chức năng tim và các bệnh lý thực tổn kèm theo.

- Các nghiệm pháp gắng sức: Trong các trường hợp chưa thể chẩn đoán chắc chắn và thực hiện khi bệnh nhân đã điều trị ổn.

- Chụp động mạch vành: Trong trường hợp cần can thiệp động mạch vành.

 
Kết quả đo điện tim giúp chẩn đoán đau thắt ngực không ổn định

7. Cách điều trị đau thắt ngực không ổn định

Điều trị ban đầu là điều trị nội khoa để giảm triệu chứng đau ngực và ngăn tình trạng huyết khối bằng các thuốc: chống ngưng kết tiểu cầu, chống đông, ức chế men chuyển, giãn mạch, chẹn beta giao cảm hoặc chẹn kênh canxi. 

Trong trường hợp điều trị bằng thuốc không có hiệu quả hoặc đau thắt ngực không ổn định nghiêm trọng thì cần can thiệp cấp cứu. Hoặc sau khi bệnh nhân điều trị nội khoa sẽ cân nhắc điều trị can thiệp động mạch vành để dự phòng. 

Có hai biện pháp can thiệp động mạch vành được sử dụng phổ biến là:

- Nong, đặt stent động mạch vành.

- Mổ bắc cầu động mạch vành.

Ngoài ra, người bệnh cần điều chỉnh lối sống:

- Tập thể dục, vận động đều đặn, phù hợp.

- Bỏ thuốc lá, tránh khói thuốc thụ động.

- Người béo phì cần giảm cân.

- Có chế độ ăn tốt cho sức khỏe tim mạch.

- Giảm căng thẳng.

Nhìn chung, tùy vào mức độ nghiêm trọng của đau thắt ngực không ổn định và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất.