CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ (MRI) VÙNG CHẬU: MỤC ĐÍCH VÀ CÁCH THỰC HIỆN

Chụp cộng hưởng từ vùng chậu là phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng máy MRI tạo ra hình ảnh khu vực vùng chậu. MRI vùng chậu giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý, bao gồm các bệnh hệ thống sinh sản của nam và nữ. 

 
Chụp cộng hưởng từ khảo sát vùng chậu

1. Chụp cộng hưởng từ vùng chậu 

Chụp cộng hưởng từ vùng chậu (MRI vùng chậu) là xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh sử dụng từ trường của nam châm và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh khu vực vùng chậu. Các cấu trúc được khảo sát bao gồm: tuyến tiền liệt, tử cung – phần phụ, đại tràng sigma, trực tràng, bàng quang.

MRI hoạt động dựa trên hiện tượng cộng hưởng từ trường giữa từ trường của hạt proton trong cơ thể và từ trường được cung cấp bởi máy MRI. Bản chất các mô trong cơ thể khác nhau do đó cường độ tín hiệu thu nhận được sẽ khác nhau, tạo nên độ tương phản của các cấu trúc vùng chậu có thể nhìn thấy được trên hình ảnh.

2. Mục đích chụp cộng hưởng từ vùng chậu

Có nhiều lý do mà bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ vùng chậu. Dưới đây là các lý do thường gặp cần chụp MRI ở cả nam và nữ:

- Xác định bất thường bẩm sinh các cơ quan vùng chậu.

- Phát hiện nguyên nhân gây tiểu, đại tiện không tự chủ do các khuyết tật sàn chậu.

- Phát hiện và xác định giai đoạn ung thư: đại tràng sigma, trực tràng, bàng quang.

- Theo dõi ung thư tái phát sau điều trị phẫu thuật: ung thư đại tràng sigma, trực tràng, bàng quang.

- Đánh giá các biến chứng sau phẫu thuật vùng chậu như: áp xe, u nang nước tiểu, nang bạch huyết, viêm ruột do xạ trì, lỗ dò hậu môn…

- Đánh giá động mạch, tĩnh mạch vùng chậu.

- Xác định giai đoạn các loại ung thư nguồn gốc mô (sarcoma).

 
Chụp MRI vùng chậu phát hiện lạc nội mạc tử cungỞ nữ giới, chụp cộng hưởng vùng chậu giúp:

- Phát hiện và xác định giai đoạn ung thư: âm đạo, cổ tử cung, tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng.

- Theo dõi ung thư tái phát sau điều trị ung thư các cơ quan phụ khoa.

- Đánh giá khối u hoặc viêm phần phụ gây ra biến chứng: u nang buồng trứng xoắn, ứ dịch, mủ vòi trứng…

- Xác định nguyên nhân gây đau nghi ngờ lạc nội mạc tử cung, u cơ trơn tử cung.

- Đánh giá trước khi thực hiện các loại phẫu thuật: bóc tách khối u, cắt bỏ tử cung, nút động mạch tử cung…

- Phát hiện nguyên nhân gây đau bụng ở phụ nữ mang thai.

- Đánh giá bất thường của thai nhi.

Ở nam giới, chụp cộng hưởng vùng chậu giúp:

- Phát hiện và xác định giai đoạn ung thư: tuyến tiền liệt, dương vật, bìu.

- Theo dõi ung thư tái phát sau điều trị ung thư nam khoa.

MRI rất hữu ích trong việc chẩn đoán và theo dõi khối u. Chụp MRI thường được sử dụng để xác định giai đoạn ung thư, xem xét khối u có lan sang các khu vực khác hay chưa để có kế hoạch điều trị và theo dõi trong tương lai.

 
Chụp MRI vùng chậu phát hiện ung thư cơ quan phụ khoa

3. Ưu điểm và nhược điểm của chụp cộng hưởng từ vùng chậu

a. Ưu điểm khi chụp MRI vùng chậu

- MRI cung cấp hình ảnh bên trong cơ thể một cách rõ nét theo thời gian thực, giúp phát hiện ra các tổn thương nhỏ mà các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác không thấy được.

- Hình ảnh mô mềm được hiển thị trên MRI tốt hơn CT.

- MRI an toàn, người bệnh sẽ không tiếp xúc bức xạ tia X như chụp X-quang hay CT.

- Chụp MRI không xâm lấn, không đau.

b. Nhược điểm khi chụp MRI

- MRI sử dụng thuốc tương phản từ - phổ biến là gadolinium để làm nổi bật hình ảnh. Thuốc này an toàn, nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp nó gây dị ứng. Thuốc này cũng chống chỉ định với bệnh nhân thận mạn tính.

- MRI sử dụng từ trường mạnh gây ảnh hưởng đến các thiết bị kim loại. Những người có thiết bị kim loại trong người (VD: máy điều hòa nhịp tim, cấy ghép kim loại khác) sẽ không thể chụp MRI.

- Chụp MRI tốn nhiều thời gian hơn CT, do đó khó áp dụng cho các trường hợp khẩn cấp.

- Chi phí chụp MRI khá đắt.

- Không phải cơ sở y tế nào cũng có máy chụp MRI.

 
Máy chụp cộng hưởng từ chống chỉ định kim loại

4. Quy trình chụp cộng hưởng từ vùng chậu

a. Trước khi chụp cộng hưởng từ vùng chậu

Để chụp MRI vùng chậu, cần nhịn ăn khoảng 4 giờ (tùy theo yêu cầu của bác sĩ) và nhịn tiểu trước khi vào chụp. Cần thay đồ, mặc quần áo chuyên dùng cho chụp MRI do nhân viên y tế cung cấp.

Trước khi chụp MRI vùng chậu, hãy thông báo cho bác sĩ nếu có các tình trạng sau:

- Từng có phản ứng dị ứng với thuốc tương phản từ trước đó.

- Đang bị bệnh thận mạn tính.

- Đang mang thai hoặc cho con bú.

- Có mang thiết bị điện tử như: máy điều hòa nhịp tim, máy chống rung, cấy ghép ốc tai, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da…

- Có các kẹp, vật kim loại nội sọ, trong hốc mắt.

- Các mảnh kim khí trong cơ thể.

- Các bộ phận kim loại trong cơ thể: khớp giả, răng giả, nẹp xương, đinh nội tủy…

- Có dụng cụ kim loại trong can thiệp mạch máu đặt stent, coils.

Người có chứng sợ không gian hẹp, sợ bóng tối hay sợ cô độc hãy thông báo cho bác sĩ để có phương hướng giải quyết, ví dụ sử dụng thuốc an thần.

 
Người bệnh nằm yên trong quá trình chụp MRI vùng chậu 

b. Trong khi chụp cộng hưởng từ vùng chậu

Quá trình chụp MRI sẽ diễn ra như sau:

- Người bệnh nằm ngửa trên bàn chụp, đầu hướng vào máy, chân để thẳng, hai tay xuôi theo cơ thể.

- Kỹ thuật viên đặt coil body lên vùng chậu (coil là một thiết bị có khả năng gửi và nhận sóng vô tuyến).

- Người bệnh được đeo tai nghe chuyên dụng để giảm tiếng ồn.

- Máy MRI chiếu tia laze vào vùng chậu để tạo ảnh, ảnh này được gửi đến máy tính để xử lý.

Kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh tập hít, thở, nhịn thở theo khẩu lệnh. Trong suốt quá trình chụp cần giữ nguyên tư thế để tránh tạo xảo ảnh.

Trong trường hợp nghi ngờ tổn thương là u tử cung, u buồng trứng, áp xe… cần phải tiêm thuốc tương phản từ (đối quang từ). Thuốc này sẽ được tiêm qua đường tĩnh mạch IV, sau đó tiến hành chụp.

c. Sau khi chụp cộng hưởng từ vùng chậu

Sau khi chụp cộng hưởng từ người bệnh có thể hoạt động ngay. Nếu sử dụng thuốc tương phản từ, cần theo dõi sau đó và thông báo cho nhân viên y tế ngay khi có các triệu chứng bất thường.

Kết quả chụp MRI sẽ được đọc và báo cáo bởi bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Sau đó bác sĩ điều trị sẽ phân tích kết quả MRI cùng các kết quả xét nghiệm khác (nếu có) để đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị.

5. Chụp cộng hưởng từ vùng chậu ở đâu?

Bạn có thể chụp cộng hưởng từ vùng chậu ở các cơ sở y tế có trang bị máy này. Tuy nhiên không giống như máy X-quang - siêu âm rất phổ biến, máy chụp MRI hữu hạn hơn vì chi phí đầu tư cao.

Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 trang bị máy chụp MRI 1.5 Tesla có nhiều ưu điểm vượt trội như tiếng ồn nhỏ, rút ngắn thời gian chụp, cung cấp hình ảnh rõ nét giúp phát hiện sớm các tổn thương nhỏ, bao gồm ung thư giai đoạn sớm không thể thấy trên các xét nghiệm khác.

Ngoài chụp cộng hưởng từ (MRI), khoa chẩn đoán hình ảnh còn cung cấp các dịch vụ chụp CT, chụp X-Quang, đo mật độ xương, siêu âm, siêu âm màu, siêu âm doppler… giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý.