BỆNH THẦN KINH NGOẠI BIÊN: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, BIẾN CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Bệnh thần kinh ngoại biên là tình trạng gây đau, tê, ngứa ran hoặc yếu cơ ở các vị trí khác nhau của cơ thể. Nó thường bắt đầu ở bàn tay hoặc bàn chân và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Bệnh thần kinh ngoại biên có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như chấn thương, nhiễm trùng, chất độc hại hoặc các tình trạng như ung thư, tiểu đường, suy thận hoặc suy dinh dưỡng. 

 
Có nhiều loại bệnh thần kinh ngoại biên 

1. Bệnh thần kinh ngoại biên là gì?

Hệ thần kinh ngoại biên là mạng lưới các dây thần kinh nằm ngoài hệ thống thần kinh trung ương (não và tủy sống). Có thể chia thành:

- Dây thần kinh cảm giác: Truyền cảm giác.

- Dây thần kinh vận động: Kiểm soát cơ bắp.

- Dây thần kinh thuộc hệ thần kinh tự động (tự chủ): Điều chỉnh các chức năng tự động của cơ thể như huyết áp, tuần hoàn, hơi thở, tiêu hóa, bàng quang.

Bệnh thần kinh ngoại biên xảy ra khi một hoặc một nhóm dây thần kinh này bị tổn thương. Đôi khi, nó có thể ảnh hưởng đến hầu hết các dây thần kinh ngoại biên trong cơ thể.

Tổn thương các dây thần kinh này làm gián đoạn “giao tiếp” giữa não và các bộ phận khác của cơ thể, làm giảm chuyển động của cơ, gây mất cảm giác ở tay chân và gây đau.

2. Nguyên nhân gây bệnh thần kinh ngoại biên

Có hơn 100 loại bệnh lý thần kinh ngoại biên đã được xác định.

Tiểu đường (đái tháo đường) là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thần kinh ngoại biên. Lượng đường trong máu cao trong một thời gian dài sẽ làm hỏng các dây thần kinh. Tổn thương do tiểu đường gây ra thường là tổn thương đa dây thần kinh.

 
Bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường

Bệnh thần kinh ngoại biên cũng có thể xảy ra do di truyền. Phổ biến nhất là bệnh Charcot Marrie Tooth. Các bệnh thần kinh di truyền thường nghiêm trọng hơn khi xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ so với tuổi trưởng thành.

Ngoài ra, một số tình trạng khác có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên là:

- Rối loạn tự miễn (vd: viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống).

- Bệnh thận mạn tính.

- Bệnh gan mạn tính.

- Nhiễm trùng (vd: HIV/AIDS, virus Varicella-Zoster gây bệnh thủy đậu và bệnh zona, virus West Nile, virus Cytomegal, virus Herpes Simplex, bệnh Lyme…).

- Thiếu vitamin (vd: vitamin B12)

- Bệnh chuyển hóa.

- Ngộ độc do kim loại nặng (vd: chì, thủy ngân, asen).

- Các vấn đề về mạch máu làm giảm lưu lượng máu đến chân.

- Mất cân bằng nội tiết tố.

- Rối loạn tủy xương.

- Ung thư và một số loại thuốc hóa trị, xạ trị ung thư.

- Sử dụng rượu nặng kéo dài.

- Thuốc (vd: Ethambutol, Isoniazid).

- Chấn thương hoặc chèn ép lên dây thần kinh, bao gồm cả các thủ thuật y tế như băng ép, bó bột.
Khoảng 1/3 bệnh thần kinh ngoại biên xảy ra mà không tìm được nguyên nhân chính xác.

3. Triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên

Các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên phụ thuộc vào dây thần kinh nào bị ảnh hưởng. Bệnh đa dây thần kinh thường bắt đầu từ các dây thần kinh dài, ở xa. Vì vậy mà các triệu chứng thường bắt đầu ở bàn chân.

Các triệu chứng thường gặp là:

- Tê: Mất cảm giác ở chân và tay, biểu hiện là không thấy đau khi giẫm phải vật sắc nhọn, không cảm nhận được nóng lạnh, không nhận ra được vết phồng rộp hoặc vết loét ở chân. Tình trạng tê chân có thể khiến bạn bị mất thăng thằng khi di chuyển.

- Đau: Ngứa ran hoặc nóng rát ở tay và chân, thường bắt đầu ở ngón chân và bàn chân. Đôi khi bạn sẽ thấy đau rát ở vùng bị ảnh hưởng, thường là ở bàn chân và cẳng chân.

- Yếu cơ: Tổn thương dây thần kinh khiến việc kiểm soát cơ bắp trở nên khó khăn, gây ra yếu cơ, nhược cơ. Bạn có thể bị vấp ngã khi di chuyển hoặc khó khăn khi sử dụng tay để cài khuy áo, bấm điện thoại. Cơ có thể bị co giật hoặc chuột rút.

Các triệu chứng khác:

- Rối loạn tiêu hóa: Đầy hơi, chướng bụng, ợ chua, nôn, táo bón hoặc tiêu chảy.

- Gặp vấn đề về nuốt (hiếm gặp hơn).

- Lâng lâng, chóng mặt hoặc ngất xỉu khi đứng dậy (hạ huyết áp tư thế đứng).

- Vấn đề tình dục: Nam giới bị rối loạn cương dương, nữ bị khô âm đạo.

- Vấn đề bàng quang: Rò rỉ nước tiểu, không thể đi tiểu hết được.

- Đổ mồ hôi quá ít hoặc quá nhiều.

 
Bệnh thần kinh ngoại biên gây tê, đau, ngứa ran bàn chân

4. Chẩn đoán bệnh thần kinh ngoại biên

Chẩn đoán bệnh thần kinh ngoại biên dựa vào khám lâm sàng và cận lâm sàng. Bác sĩ sẽ tìm hiểu về các triệu chứng và tiền sử sức khỏe, môi trường làm việc, thói quen lối sống, tiền sử gia đình mắc bệnh thần kinh. Đồng thời khám thực thể và phản xạ thần kinh, cảm giác, tư thế và phối hợp động tác.

Các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ được chỉ định tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể:

- Xét nghiệm máu: Phát hiện bệnh tiểu đường, thiếu hụt vitamin, rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn chuyển hóa, chức năng tuyến giáp, nhiễm trùng hoặc miễn dịch.

- Xét nghiệm di truyền.

- Đo điện cơ (EMG)

- Đo độ dẫn truyền thần kinh (NCS).

- Sinh thiết dây thần kinh.

- Sinh thiết da.

- Chụp cộng hưởng từ (MRI).

- Chụp cắt lớp vi tính (CT).

Bệnh thần kinh ngoại biên cần được chẩn đoán sớm để hạn chế tổn thương và ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn.

5. Điều trị bệnh thần kinh ngoại biên

Việc điều trị bệnh thần kinh ngoại biên sẽ tập trung vào điều trị triệu chứng và nguyên nhân cơ bản gây ra nó.

a. Điều trị nguyên nhân gây bệnh thần kinh ngoại biên

Bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường thì cần điều trị bệnh tiểu đường một cách tích cực để kiểm soát tốt lượng đường trong máu. 
Những người đang uống rượu thì ngừng sử dụng rượu. 

Nếu thuốc là nguyên nhân thì có thể thay đổi loại thuốc khác, nhưng không tự ý ngưng thuốc đột ngột mà phải hỏi ý kiến của bác sĩ. 
Nếu thiếu vitamin thì bổ sung vitamin bằng thuốc và chế độ ăn uống.

Điều trị ức chế miễn dịch trong trường hợp bệnh thần kinh do rối loạn tự miễn gây ra. 

Với các trường hợp do chấn thương hoặc chèn ép dây thần kinh thì cần phẫu thuật. Vd: phẫu thuật hội chứng ống cổ tay, hội chứng ống cổ chân.

b. Điều trị triệu chứng gây ra bởi bệnh thần kinh ngoại biên

Các triệu chứng đau do bệnh thần kinh ngoại biên gây ra có thể điều trị bằng thuốc giảm đau thần kinh. Lưu ý là thuốc này cần được kê đơn bởi bác sĩ. 

Nếu bạn gặp các vấn đề khác như yếu cơ, rối loạn nhu động ruột, hạ huyết áp, rối loạn bàng quang hoặc các vấn đề về tình dục thì bác sĩ sẽ điều trị và hướng dẫn tùy vào tình trạng cụ thể.

Ngoài ra, bạn cần bỏ thuốc lá và tăng cường tập các bài tập để cải thiện sức mạnh và khả năng kiểm soát cơ bắp, hạn chế teo cơ.

c. Kiểm soát an toàn

Bệnh thần kinh ngoại biên gây tê và mất cảm giác ở tay chân, đặc biệt là ở chân. Nó cũng làm tăng nguy cơ té ngã và các chấn thương khác. Do đó, bạn nên lưu ý:

- Chú ý hơn khi di chuyển.

- Loại bỏ các vật cản trong nhà ở khu vực bạn thường đi qua.

- Không nên nuôi thú cưng.

- Đảm bảo sàn nhà bằng phẳng.

- Đảm bảo đủ ánh sáng khi bạn đi lại.

- Nên có tay vịn ở các khu vực lên xuống cầu thang, trong nhà tắm.

- Luôn mang giày để bảo vệ chân khỏi bị thương, và nhớ kiểm tra giày trước khi mang vào chân.

- Thường xuyên kiểm tra bàn chân xem có vết thương, phồng rộp nào không. 

- Rửa chân hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ. 

- Luôn kiểm tra nhiệt độ nước tắm bằng khuỷu tay hoặc nhờ người thân kiểm tra.

- Tránh tạo áp lực lên vùng bị tổn thương thần kinh.

6. Biến chứng của bệnh thần kinh ngoại biên

Biến chứng do bệnh thần kinh ngoại biên gây ra cũng phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây bệnh và vị trí dây thần kinh bị tổn thương. Bệnh có thể nhẹ hoặc nặng, nhưng hiếm khi đe dọa đến tính mạng.

Ở một số người, các triệu chứng có thể cải thiện theo thời gian nếu nguyên nhân gây bệnh được điều trị. Trong khi ở một số người khác, tổn thương dây thần kinh ngoại biên có thể tiến triển trong suốt cuộc đời.

Nhìn chung, nếu không điều trị nguyên nhân cơ bản của bệnh thần kinh ngoại biên thì có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng hơn. Ở bệnh nhân bị đái tháo đường không kiểm soát tốt có thể bị vết loét ở bàn chân, và trường hợp nặng có thể phải cắt cụt chi.

7. Cách phòng ngừa bệnh thần kinh ngoại biên

Đôi khi không thể phòng ngừa hoàn toàn được bệnh thần kinh ngoại biên, nhất là bệnh thần kinh ngoại biên do di truyền. Nhưng có thể ngăn ngừa một số nguyên nhân gây tổn thương thần kinh bằng cách:

- Hạn chế uống rượu.

- Không hút thuốc lá.

- Có chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.

- Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường và các tình trạng sức khỏe khác như bệnh thận, gan, nội tiết, ung thư.

- Tránh công việc liên quan tới hóa chất, kim loại độc hại và phải có thiết bị bảo hộ khi tiếp xúc với các chất này. 

- Đi khám ngay khi có các triệu chứng tê, đau, ngứa ran ở tay và chân.