TÌM HIỂU VỀ PHƯƠNG PHÁP NỘI SOI DẢI TẦN ÁNH SÁNG HẸP (NBI)

Nội soi dải tần ánh sáng hẹp (NBI) là phương pháp nâng cao hình ảnh quang học, cho phép kiểm tra chi tiết hình ảnh mạch máu và niêm mạc, từ đó nâng cao hiệu quả nội soi đường tiêu hóa. Đây là phương pháp có thể đánh giá chính xác các tổn thương nhỏ và giúp phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa.

 
Hình ảnh polyp đại tràng ở chế độ thường và NBI

1. Phương pháp nội soi dải tần ánh sáng hẹp (NBI) trong nội soi tiêu hóa

Nội soi tiêu hóa là một phương pháp quan trọng không thể thiếu trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa. 

Từ lâu, nội soi đã được sử dụng rất rộng rãi, nhưng người ta nhận thấy nội soi thông thường tồn tại những hạn chế trong việc phát hiện và phân biệt các tổn thương nhỏ và phức tạp. 

Chính vì vậy, công nghệ nội soi đã có rất nhiều tiến bộ để cải thiện điều này, bao gồm bổ sung các kỹ thuật khác nhau để cải thiện độ tương phản như sử dụng thuốc nhuộm, kỹ thuật quang học hoặc điện tử. 

Nổi bật trong số đó là phương pháp nội soi với dải tần số hẹp (NBI) kết hợp với nội soi phóng đại (NBI-ME), có thể đánh giá chính xác các tổn thương trong đường tiêu hóa, cũng như phát hiện sớm khối u bằng cách làm nổi bật sự tăng sinh mạch máu.

2. Phương pháp nội soi dải tần ánh sáng hẹp (NBI) là gì?

Phương pháp nội soi dải tần ánh sáng hẹp (Narrow Banding Imaging – NBI), là kỹ thuật sử dụng bộ lọc R/G/B filter ứng dụng loại ánh sáng đơn sắc. Nguyên lý là sử dụng hệ thống kính lọc và bộ phân tích xử trí ánh sáng với hai bước sóng 415nm (415 ± 30nm) và 540nm (540 ± 30nm).

Phương pháp này cung cấp hình ảnh có thể phân biệt rõ hơn một số đặc điểm – đặc thù cụ thể giữa tổ chức bình thường và tổ chức bệnh lý. Các mức độ khác nhau ở niêm mạc và tăng độ tương phản trên bề mặt biểu mô của mạng mao mạch dưới niêm mạc đường tiêu hóa, giúp đưa ra hình ảnh chẩn đoán chính xác hơn về các bệnh lý ở thực quản, dạ dày, tá tràng, đại tràng và trực tràng.

 
Máy nội soi CV-190 tích hợp tính năng NBI và phóng đại hình ảnh

2. Chỉ định và chống chỉ định phương pháp nội soi dải tần ánh sáng hẹp NBI

a. Các trường hợp chỉ định nội soi dải tần ánh sáng hẹp NBI

Phương pháp nội soi dải tần ánh sáng hẹp NBI được chỉ định cho các đối tượng sau:

- Người bệnh nghi ngờ có bệnh lý dạ dày (đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, nôn, xuất huyết tiêu hóa...) mà không có chống chỉ định.

- Thiếu máu chưa rõ nguyên nhân.

- Nội soi tầm soát: Barrett thực quản, ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, hội chứng đa polyp...

b. Các trường hợp chông chỉ định nội soi dải tần ánh sáng hẹp NBI

Phương pháp nội soi dải tần ánh sáng hẹp NBI chống chỉ định với các đối tượng sau:

- Người bệnh trong tình trạng suy hô hấp;

- Người bệnh suy tim nặng;

- Người bệnh rối loạn tâm thần không hợp tác;

- Nghi ngờ hội chứng mạch vành cấp;

- Nghi ngờ phình, tách động mạch chủ;

- Tăng huyết áp chưa kiểm soát được;

- Nghi ngờ thủng tạng rỗng;

Chống chỉ định tương đối với trường hợp tụt huyết áp HA tâm thu < 90mmHg.

3. Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp nội soi dải tần ánh sáng hẹp NBI

Hệ thống máy nội soi NBI là sự kết hợp của 2 chế độ soi là:

- Chế độ NBI (dải tần ánh sáng hẹp).

- Chế độ nội soi tiêu chuẩn với độ phân giải cao sử dụng ánh sáng tự nhiên.

Việc chuyển đổi giữa 2 hệ thống được thực hiện một cách dễ dàng trong quá trình nội soi cũng như kết hợp với khả năng phóng đại, giúp việc quan sát bề mặt niêm mạc và mạch máu rõ nét mà không cần dùng đến thuốc nhuộm, dễ thực hiện và thân thiện với bệnh nhân. 

Nội soi kết hợp NBI góp phần tăng tỷ lệ chẩn đoán chính xác các bệnh lý đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư giai đoạn sớm, rất sớm và các tổn thương tiền ung thư.

Nội soi kết hợp NBI được áp dụng cho cả nội soi đường tiêu hóa trên và nội soi đường tiêu hóa dưới với tỉ lệ biến chứng gần như bằng 0. 

 
Nội soi NBI cung cấp hình ảnh rõ ràng hơn

4. Quy trình nội soi với phương pháp dải tần ánh sáng hẹp NBI

Quy trình nội soi với NBI được thực hiện như sau:

Bước 1: Kiểm tra hồ sơ bệnh án;

Bước 2: Kiểm tra người bệnh và giải thích về kỹ thuật, ưu điểm và các biến chứng có thể xảy ra;

Bước 3: Thực hiện quá trình nội soi:

- Chuẩn bị tư thế, mắc monitor để theo dõi bệnh nhân, gây tê hoặc gây mê để giảm cảm giác khó chịu.

- Nội soi bằng ống mềm quan sát niêm mạc thực quản, dạ dày, tá tràng, đại trực tràng, bật chế độ NBI khi thấy các tổn thương nghi ngờ.

- Ghi nhận các bất thường về cấu trúc mạch máu hoặc bề mặt tổn thương nếu có.

- Bác sĩ ra y lệnh chụp hình ảnh minh họa, sinh thiết hoặc thực hiện Clotest tìm vi khuẩn HP.

- Theo dõi, đảm bảo an toàn cho người bệnh trong quá trình thực hiện,

- Kết thúc thủ thuật, đánh và in kết quả.

Nhìn chung, phương pháp nội soi dải tần ánh sáng hẹp NBI có vai trò đáng kể trong việc sàng lọc, tầm soát, chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý đường tiêu hóa. 

Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 được trang bị hệ thống máy nội soi hiện đại, tích hợp tính năng nội soi NBI và nội soi phóng đại, là một công cụ ngày càng hữu ích giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm ung thư thực quản, dạ dày, tá tràng, đại trực tràng.