VIÊM MÀNG NGOÀI TIM: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CÁCH CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Viêm màng ngoài tim là tình trạng màng ngoài tim bị viêm do các nguyên nhân nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng. Viêm màng ngoài tim có thể nhẹ hoặc nặng. Đây là tình trạng cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị viêm màng ngoài tim.

 
Cấu trúc thành tim với màng ngoài tim

1. Viêm màng ngoài tim là gì?

Viêm màng ngoài tim là tình trạng lớp màng bao quanh tim bị viêm, thường gặp ở nam giới trong độ tuổi 20-50.

Màng ngoài tim là một túi kín bao bọc quanh tim và phủ lên các gốc mạch máu lớn đi ra từ tim. Màng ngoài tim gồm hai thành phần là lá thành và lá tạng. Lá thành (ngoại tâm mạc) là lớp túi xơ bên ngoài. Lá tạng (thượng tâm mạc) là lớp tiếp xúc trực tiếp với cơ tim. Hai lớp này tạo thành một khoang kín gọi là khoang màng ngoài tim. Bình thường, khoang màng ngoài tim chứa khoảng 30-50ml dịch.

Trên thực tế, màng ngoài tim không ảnh hưởng đến chức năng tim. Nhưng nó có một số vai trò như cố định tim trong lồng ngực, bảo vệ tim trong trường hợp buồng tim giãn đột ngột, làm chậm lây lan nhiễm trùng từ phổi và điều hòa hoạt động nhịp nhàng của hai nửa trái tim. 

Khi màng ngoài tim viêm, nó có thể gây ra tràn dịch màng ngoài tim và có thể dẫn đến ép tim. Màng ngoài tim viêm dẫn đến dày và cứng màng ngoài tim sẽ làm hạn chế sự giãn của buồng tim, tăng áp lực tĩnh mạch ngoại vi và suy giảm chức năng tim.

 
Hình ảnh mô tả màng ngoài tim

2. Nguyên nhân của viêm màng ngoài tim

Một số trường hợp không rõ nguyên nhân của viêm màng ngoài tim. Còn lại nguyên nhân thường là do nhiễm trùng:

- Virus: Coxsackie A và B, HIV, Adenovirus, virus viêm gan, Cytomegalovirus, virus quai bị, virus thủy đậu, Herpes simplex.

- Vi khuẩn: Phế cầu, liên cầu, tụ cầu, Meningococcus, Gonococcus, Salmonella, Legionella pneumonia, Hemophilus influenza.

- Vi trùng lao.

- Nấm: Histoplasmosis, Coccidioidomycosis, Aspergilloosis.

- Ký sinh trùng: Toxoplasmosis, Echinococcus.

Viêm màng ngoài tim cũng có thể do các tình trạng khác:

- Nhồi máu cơ tim cấp.

- Bệnh mô liên kết và bệnh gây viêm: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, bệnh mô liên kết hổn hợp, thấp tim, viêm nút quanh động mạch, bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ, viêm cột sống dính khớp, viêm da cơ, bệnh viêm ruột.

- Ung thư nguyên phát hoặc di căn.

- Tăng ure máu.

- Tăng cholesterol máu.

- Suy chức năng tuyến giáp giáp.

- Bóc tách động mạch chủ.

Các nguyên nhân khác:

- Hội chứng sau nhồi máu cơ tim.

- Sau phẫu thuật tim.

- Sau chấn thương ngực, thực quản hoặc tim.

- Thuốc: procainamide, hydralazine, phenytoin, isoniazid và một số loại thuốc dùng để điều trị ung thư hoặc ức chế hệ thống miễn dịch.

- Xạ trị vùng ngực.

 
Nhiễm khuẩn là nguyên nhân phổ biến gây viêm màng ngoài tim

3. Phân loại viêm màng ngoài tim

Viêm màng ngoài tim có thể phân thành:

- Viêm màng ngoài tim cấp tính: Khởi phát nhanh ngay từ đầu. Bệnh thường gặp ở trẻ em, người trẻ tuổi với tỷ lệ 2-2,5 nam/1 nữ. Trong đó, các nguyên nhân phổ biến là viêm màng ngoài tim do vi khuẩn sinh mủ, do lao, khối u di căn, thấp tim. Các nguyên nhân khác cũng thường gặp là do nhồi máu cơ tim, siêu vi trùng, sau chấn thương, sau mổ, ure máu tăng cao.

- Viêm màng ngoài tim mạn tính: Là biến chứng của viêm màng ngoài tim cấp tính, chỉ chiếm khoảng 0,5-1,5% các trường viêm màng ngoài tim. Tỷ lệ là 2-4 nam/1 nữ. Nguyên nhân chính là viêm màng ngoài tim do lao và do mủ.

4. Triệu chứng viêm màng ngoài tim

Đau ngực là triệu chứng chính của viêm màng ngoài tim. Đặc điểm cơn đau ngực là:

- Đau đột ngột hoặc diễn tiến từ từ.

- Mức độ đau nhiều hoặc ít, đôi khi là cảm giác tức, đè ép ở ngực.

- Đau vùng trước tim hoặc sau xương ức.

- Cơn đau có thể lan lên cổ, vai, lưng hoặc bụng.

- Thường tăng lên khi hít thở sâu, khi nằm, khi ho và nuốt.

- Thường giảm khi ngồi cúi về phía trước.

Các triệu chứng khi bị nhiễm trùng: sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi.

 
Viêm màng ngoài tim gây đau ngực trong hầu hết các trường hợp

Các triệu chứng khác:

- Khó thở khi gắng sức, khó thở tăng dần.

- Khó thở dữ dội khi bị chèn ép tim.

- Ho khan, khó nuốt, nấc.

- Mệt mỏi

- Gầy sút cân

- Chán ăn

Trong viêm màng ngoài tim mạn có các triệu chứng:

- Khó thở khi nghỉ ngơi

- Gan to, cổ chướng

- Môi và tứ chi tím

- Vàng da nhẹ

- Phù chân

5. Biến chứng của viêm màng ngoài tim

Viêm màng ngoài tim có thể ở mức độ nhẹ cho đến nặng đe dọa tính mạng.

Viêm màng ngoài tim có tràn dịch với khối lượng dịch tăng nhanh đột ngột sẽ gây chèn ép tim. Ép tim gây khó thở nghiêm trọng, thay đổi huyết áp, mạch nghịch, cần phải chọc tháo dịch cấp cứu, nếu không sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Viêm màng ngoài tim co thắt mạn tính là tình trạng viêm khiến màng ngoài tim dày và cứng. Điều này gây cản trở máu trở về tim và làm giảm khối lượng máu bơm đi. Tình trạng này gây ra hậu quả lâu dài tương tự như suy tim và có thể đe dọa tính mạng nếu không điều trị.

 
Cần đi khám khi có triệu chứng của viêm màng ngoài tim

6. Chẩn đoán viêm màng ngoài tim

Chẩn đoán viêm màng ngoài tim dựa trên triệu chứng, khám lâm sàng và kết quả cận lâm sàng như:

- Xét nghiệm máu: Công thức máu toàn bộ (CBC), tốc độ máu lắng, yếu tố đông máu, cấy máu tìm vi khuẩn, virus… Các xét nghiệm sẽ được chỉ định tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

- Chụp X-quang tim phổi: Là xét nghiệm giúp ích cho chẩn đoán chèn ép tim và viêm màng ngoài tim co thắt.

- Điện tâm đồ (ECG).

- Siêu âm tim: Là xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định có tràn dịch, khối u, chèn ép tim, viêm màng ngoài tim co thắt, các bệnh lý của tim. Đồng thời siêu âm giúp hỗ trợ chọc dò khoang màng ngoài tim chính.

- Chọc hút dịch khoang màng ngoài tim: Là biện pháp để chẩn đoán xác định và cấp cứu chèn ép tim. Ngoài ra còn để tìm nguyên nhân bằng cách dùng dịch ngoài tim làm xét nghiệm tế bào, sinh hóa, vi khuẩn, miễn dịch.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI): Để đánh giá bệnh lý màng ngoài tim.

- Thông tim: Đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán viêm màng ngoài tim mạn tính.
Viêm màng ngoài tim cần được chẩn đoán phân biệt với các tình trạng: to tim do suy tim, viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, tràn dịch màng phổi.
 
Siêu âm tim để chẩn đoán viêm màng ngoài tim

7. Điều trị viêm màng ngoài tim

Việc điều trị viêm màng ngoài tim sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ:

- Viêm màng ngoài tim do mủ: Có thể dùng kháng sinh và corticoid. 

- Viêm màng ngoài tim do lao: Điều trị phối hợp với các thuốc kháng lao.

- Viêm màng ngoài tim do thấp tim: Dùng corticoid và kháng sinh theo phác đồ điều trị thấp tim.

- Viêm màng ngoài tim mủ: Cần dẫn lưu mủ sớm, đồng thời dùng kháng sinh đặc hiệu.

- Viêm màng ngoài tim do nấm: Dùng thuốc kháng nấm.

Các triệu chứng do viêm màng ngoài tim gây ra sẽ được điều trị theo từng trường hợp cụ thể, ví dụ:

- Giảm đau ngực bằng thuốc giảm đau, thuốc an thần.

- Chống viêm dính màng ngoài tim.

- Thuốc lợi tiểu và cường tim dùng trong các trường hợp cụ thể.

- Chọc tháo dịch màng ngoài tim.

Hầu hết các trường hợp viêm màng ngoài tim đáp ứng tốt với điều trị nội khoa, có thể khỏi bệnh trong vài tuần đến 3 tháng.

Phẫu thuật cắt màng ngoài tim sẽ được chỉ định khi điều trị nội khoa không có kết quả, viêm màng ngoài tim tái phát sau điều trị hoặc biến chứng co thắt.

Phẫu thuật cắt màng ngoài tim mở rộng là biện pháp tốt nhất để điều trị viêm màng ngoài tim co thắt. Tuy nhiên, nếu viêm màng ngoài tim co thắt mạn tính ở giai đoạn muộn thì sẽ rất khó bóc triệt để màng ngoài tim, ngoài ra còn có thể gây biến chứng nguy hiểm trong và sau phẫu thuật.