THUYÊN TẮC PHỔI: TRIỆU CHỨNG, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Thuyên tắc phổi là một bệnh tim mạch phổ biến chỉ sau đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Thuyên tắc phổi là một tình trạng cấp cứu y tế, có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn hoặc tử vong nếu không điều trị ngay lập tức. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, nguy cơ, cách chẩn đoán và điều trị thuyên tắc phổi.

 
Thuyên tắc phổi là tình trạng tắc nghẽn động mạch phổi

1. Thuyên tắc phổi là gì?

Thuyên tắc phổi hay tắc mạch phổi (Pulmonary Embolism - PE) xảy ra khi cục máu đông ở một vị trí khác trong cơ thể bị vỡ, trôi nổi tự do trong hệ tuần hoàn đến động mạch phổi và gây tắc nghẽn đột ngột dòng máu lưu thông trong vùng đó.

Máu lưu thông từ buồng tim phải qua phổi để lấy oxy và loại bỏ carbon dioxin, sau đó từ phổi trở về buồng tim trái để bơm đến các phần còn lại của cơ thể. Do đó, thuyên tắc phổi không chỉ gây tổn thương phổi mà còn làm giảm lượng oxy trong máu cần thiết để nuôi dưỡng cơ thể, có thể gây tổn thưởng tất cả các cơ quan trong cơ thể, bao gồm não, thận và tim.

Ngoài ra, thuyên tắc phổi còn làm tăng áp lực lên tim và gây hạ huyết áp do tim không bơm đủ máu. Tất cả những tác động này có thể gây tử vong đột ngột hoặc trong thời gian ngắn.

Thuyên tắc phổi nguy hiểm hơn nếu cục máu đông lớn hoặc có nhiều cục máu đông.

2. Nguyên nhân thuyên tắc phổi

Trong hầu hết các trường hợp, thuyên tắc phổi được hình thành từ cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu).

Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là các cục máu đông nằm trong tĩnh mạch lớn ở chân (đôi khi là ở tay) và không di chuyển. Khi huyết khối vỡ ra, nó di chuyển theo tĩnh mạch lớn rồi dẫn đến tim phải, sau đó tiếp tục vào động mạch phổi. Tại đây, nó có thể tiếp tục di chuyển vào phổi hoặc nằm trong động mạch phổi, gây thuyên tắc phổi.

Mặc dù hiếm gặp nhưng cục máu đông gây tắc mạch phổi cũng có thể bắt đầu từ tĩnh mạch vùng chậu, thận, tay hoặc buồng tim bên phải.

 
Thuyên tắc phổi là biến chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu

3. Ai có nguy cơ bị thuyên tắc phổi

Dưới đây là các yếu tố có thể tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi ở một người:

- Tuổi: Nguy cơ cao hơn ở người trên 70 tuổi.

- Tiền sử: Từng bị cục máu đông, có bất thường mạch máu (vd: giãn tĩnh mạch).

- Không hoạt động: Ngồi lâu khi đi xe hơi hoặc máy bay đường dài (hơn 4-6 giờ liên tục), nằm lâu - đặc biệt là sau phẫu thuật hoặc chấn thương nặng, làm tăng đáng kể nguy cơ.

- Các bệnh lý khác: Bệnh tim, bệnh phổi, ung thư tuyến tụy, ung thư buồng trứng, ung thư phổi hoặc nhiều bệnh ung thư khác có thể làm tăng khả năng đông máu. Lupus ban đỏ hệ thống và bệnh thấp khớp cũng làm tăng đông máu.

- Hút thuốc: Hút thuốc làm hỏng niêm mạc mạch máu, khiến cục máu đông dễ hình thành hơn.

- Béo phì: Thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ đông máu, nhất là ở phụ nữ hút thuốc hoặc bị tăng huyết áp.

- Thuốc nội tiết tố: Sử dụng thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp thay thế hormone làm tăng các yếu tố đông máu.

- Mang thai và sinh con: Phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ bị cục máu đông vì tử cung lớn lên chèn ép tĩnh mạch khung chậu, làm chậm lưu lượng máu từ chân. Nguy cơ cao nhất trong khoảng 06 tuần sau sinh.

- Không sử dụng thuốc chống đông máu mà bác sĩ đã chỉ định.

- Tiền sử gia đình và di truyền: Một số tình trạng di truyền, ví dụ như rối loạn đông máu làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi. 

Khi một người có yếu tố nguy cơ của huyết khối tĩnh mạch sâu thì cần được chẩn đoán và điều trị tình trạng này sớm, nhằm phòng ngừa thuyên tắc phổi.

 
Bất động làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi

4. Triệu chứng thuyên tắc phổi

Tùy vào kích thước cục máu đông, số lượng mạch máu bị ảnh hưởng và bệnh nền có sẵn mà thuyên tắc phổi có thể gây ra các triệu chứng khác nhau.

Các triệu chứng thường gặp của thuyên tắc phổi là:

- Khó thở đột ngột.

- Đau ngực dữ dội, nặng hơn khi hít vào.

- Choáng váng, chóng mặt hoặc bất tỉnh

- Ho, có thể ho ra máu.

- Đổ nhiều mồ hôi.

- Nhịp tim nhanh.

- Môi hoặc móng tay hơi xanh.

Các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu:

- Sưng tay hoặc chân bị ảnh hưởng.

- Cảm giác nóng vùng bị sưng.

- Đau nhức chân, xảy ra khi đang đứng hoặc đi bộ.

- Da đỏ hoặc tím.

- Các tĩnh mạch nông nổi lên rõ ràng. 

5. Chẩn đoán thuyên tắc phổi

Các xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán tắc mạch phổi:

- Chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) động mạch phổi: Tìm kiếm nguyên nhân thuyên tắc phổi.

- Siêu âm Doppler mạch máu chi dưới: Tìm cục máu đông ở chân.

- Siêu âm tim: Đánh giá mức độ ảnh hưởng của thuyên tắc phổi đến tim.

- Xét nghiệm máu: Kiểm tra tình trạng đông máu, dấu hiệu viêm, tổn thương tại tim và các cơ quan khác.

- Chụp MRI: Thường dùng trong trường hợp phụ nữ mang thai không thể chụp CT.
 
Cần đi khám ngay khi bị khó thở một cách đột ngột

6. Điều trị thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi là tình trạng cần được nhập viện ngay để điều trị nhằm ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Sử dụng các loại thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu) là cách điều trị phổ biến. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, cần sử dụng thuốc làm tan cục máu đông (thuốc tiêu sợi huyết).

Một số ít trường hợp cần làm phẫu thuật nếu cục máu đông rất lớn, đe dọa tính mạng. 

Hầu hết những người bị thuyên tắc phổi sau khi điều trị được cứu sống. Khoảng 5% bệnh nhân sau đó phát triển một dạng tăng huyết áp phổi gọi là tăng áp phổi do huyết khối tắc mạch mạn tính (CTEPH).

Bệnh nhân cần học cách sống chung với nguy cơ tái phát thuyên tắc phổi. Quan trọng là cần tuân thủ điều trị, nhất là về việc sử dụng thuốc chống đông cũng như lưu ý khi sử dụng thuốc này. Bởi vì, ngay cả những bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông dài hạn cũng có thể bị tái phát huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi.

Ngoài ra, có thể phòng ngừa tái phát thuyên tắc phổi bằng cách:

- Đi tái khám định kỳ.

- Sử dụng vớ nén để ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu.

- Di chuyển chân khi ngồi trong thời gian dài.

- Sau phẫu thuật hoặc nghỉ ngơi do chấn thương, gãy xương… nên tập đi lại càng sớm càng tốt.

- Tập thể dục.

- Bỏ thuốc lá.