ĐAU THẮT NGỰC ỔN ĐỊNH LÀ GÌ?

Đau thắt ngực ổn định là gì?
Đau thắt ngực ổn định (bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ mạn tính) xảy ra khi động mạch vành bị hẹp đáng kể dẫn đến thiếu máu cơ tim. Đau thắt ngực ổn định xuất hiện khi gắng sức và giảm bớt khi nghỉ ngơi, nguyên nhân chủ yếu là do xơ vữa động mạch.
 
Đau thắt ngực ổn định xuất hiện khi gắng sức
1. Đau thắt ngực là gì?
Đau thắt ngực là cơn đau thắt từng cơn ở vùng tim do thiếu máu cơ tim, nguyên nhân phổ biến là do xơ vữa động mạch. 
Xơ vữa động mạch là sự lắng đọng của các mảng lipid ở thành mạch gây hẹp dần lòng mạch. Khi lòng động mạch vành hẹp đáng kể (thường là trên 70%), lưu lượng máu cơ tim bị thiếu đáng kể dẫn đến cơ tim thiếu oxy, gây nên cơn đau thắt ngực.
Đau thắt ngực cũng có thể xảy ra không do xơ vữa động mạch vành. Các nguyên nhân là: bệnh lý mạch vành bẩm sinh, viêm nhiễm động mạch vành, bệnh tắc động mạch vành do cục tắc từ nơi khác di chuyển đến, co thắt động mạch không liên quan xơ vữa… Các trường hợp này ít gặp.
Đau thắt ngực cũng có thể xảy ra ở những người mắc bệnh van tim, bệnh cơ tim phì đại, cơ tim thể giãn, tăng huyết áp không kiểm soát được hoặc thiếu máu nặng.
2. Đau thắt ngực ổn định là gì?
Đau thắt ngực ổn định là tình trạng đau thắt ngực nhưng không có diễn tiến nặng lên hay có sự bất ổn, nứt vỡ của mảng xơ vữa động mạch vành.
Đau thắt ngực ổn định còn gọi là bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ mạn tính, suy vành hoặc bệnh động mạch vành ổn định. Theo thuật ngữ mới đưa ra năm 2019 thì tình trạng đau thắt ngực ổn định được gọi là “Hội chứng mạch vành mạn”.
 
Đau thắt ngực ổn định do xơ vữa động mạch vành
3. Triệu chứng đau thắt ngực ổn định?
Triệu chứng đau thắt ngực ổn định:
- Thời điểm đau: Khi gắng sức, cảm xúc mạnh, thời tiết lạnh, sau bữa ăn nhiều hoặc hút thuốc lá.
- Vị trí đau: Đau ở vùng giữa phía sau xương ức. Cơn đau có thể lan lên cổ, xương hàm, vai, tay, thượng vị, sau lưng; hay gặp hơn là đau lan hướng vai trái xuống mặt trong cánh tay trái, có khi xuống tận ngón tay áp út và ngón út.
- Đặc điểm đau: Đau kiểu co thắt lại, cảm giác bị ép, đè nặng, đau rát và đôi khi cảm giác buốt giá.
- Thời gian đau: Thường ngắn 2-5 phút, giảm dần khi ngưng gắng sức hoặc bình ổn cảm xúc.
Các triệu chứng kèm theo cơn đau thắt ngực:
- Khó thở, hụt hơi.
- Đánh trống ngực, hồi hộp.
- Mệt lả.
- Buồn nôn
- Chóng mặt
- Vã mồ hôi.

4. Phân biệt đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định
Hội chứng mạch vành mạn (đau thắt ngực ổn định) được phân biệt với hội chứng mạch vành cấp (bao gồm nhồi máu cơ tim và đau thắt ngực không ổn định).
Đặc điểm của đau thắt ngực ổn định:
- Cơn đau thắt ngực ngắn 2-5 phút.
- Xuất hiện khi gắng sức, đỡ đau khi nghỉ ngơi.
- Đáp ứng tốt với thuốc giãn mạch nhóm nitrat.
- Mảng xơ vữa ổn định.
Đặc điểm của đau thắt ngực không ổn định:
- Cơn đau thắt ngực dài từ 5-30 phút.
- Xuất hiện cả khi nghỉ ngơi, thường vào ban đêm.
- Mức độ nặng, thời gian và tần suất cơn đau tăng dần.
- Ít đáp ứng với thuốc giãn mạch nhóm nitrat.
- Mảng xơ vữa không ổn định.
Các cơn đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định diễn ra xen kẽ với nhau. Nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ thì bệnh có thể đảo ngược, ổn định. Ngược lại, nếu không điều trị hoặc kiểm soát tốt thì bệnh sẽ diến tiến xấu với nhiều giai đoạn không ổn định hơn.
 
Đau thắt ngực ổn định diễn ra trong thời gian ngắn
5. Ai có nguy cơ bị đau thắt ngực ổn định?
Bệnh động mạch vành do xơ vữa không có nguyên nhân cụ thể mà là hậu của các yếu tố nguy cơ tim mạch. Những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch dưới đây sẽ có nguy cơ bị đau thắt ngực ổn định:
a. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
- Tuổi tác: Nguy cơ tăng lên theo tuổi tác.
- Giới tính: Bệnh phổ biến và khởi phát sớm hơn ở nam giới. Phụ nữ khi mãn kinh sẽ có nguy cơ tương đương nam giới.
- Tiền sử gia đình: Gia đình có người bị xơ vữa động mạch xuất hiện sớm ở nam giới trước tuổi 55 và nữ giới trước tuổi 65.
- Chủng tộc: Tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm gốc Nam Á cao hơn nhóm da trắng.

b. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
- Hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá thụ động
- Béo phì
- Tăng huyết áp
- Rối loạn lipid máu
- Đái tháo đường
- Nghiện rượu
- Tình trạng viêm
- Lối sống ít vận động
- Tâm lý: căng thẳng, trầm cảm, rối loạn lo âu
 
Thuốc lá là yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành do xơ vữa
6. Đau thắt ngực ổn định có nguy hiểm không?
So với đau thắt ngực không ổn định thì đau thắt ngực ổn định ít nguy hiểm hơn. Đau thắt ngực ổn định có thể dự báo trước, có thể kết thúc ngay sau đó khi bệnh nhân nghỉ ngơi, bình ổn cảm xúc hoặc dùng thuốc giãn mạch.
Nguy hiểm nhất của đau thắt ngực ổn định là khả năng tiến triển thành đau thắt ngực không ổn định nếu người bệnh không điều trị, không duy trì lối sống sinh hoạt lành mạnh hoặc không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Đau thắt ngực không ổn định có nguy cơ chuyển thành nhồi máu cơ tim, cần phải cấp cứu điều trị và theo dõi sát.
7. Cách chẩn đoán đau thắt ngực ổn định
Bệnh nhân khi có cơn đau thắt ngực cần đi khám. 
Khám lâm sàng giúp chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân khác gây đau thắt ngực. 
Khám cận lâm sàng giúp chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân của đau thắt ngực ổn định:
- Xét nghiệm máu: Công thức máu toàn phần, bảng chuyển hóa, lipid và troponin.
- Đo điện tim (điện tâm đồ, ECG): Là thăm khám sáng lọc trong bệnh mạch vành.
- Nghiệm pháp gắng sức: Giúp chẩn đoán xác định, tiên lượng và điều trị.
- Siêu âm tim: Đánh giá chức năng tim, bệnh kèm theo nếu có.
- X-quang/CT ngực: Hỗ trợ loại trừ các nguyên nhân đau ngực không liên quan đến tim.
- Holter điện tim: Phát hiện thời điểm xuất hiện bệnh tim thiếu máu cục bộ trong ngày.
- Chụp động mạch vành: Xác định tình trạng hẹp động mạch vành, mức độ và vị trí tổn thương mạch vành. Thường dùng khi cần can thiệp mạch vành.
 
Cần đi khám khi xuất hiện cơn đau thắt ngực
8. Cách điều trị cơn đau thắt ngực ổn định
Tình trạng đau thắt ngực ổn định cần được điều trị để ngăn ngừa nguy cơ tử vong và biến chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các phương pháp điều trị sẽ được cá nhân hóa trên từng bệnh nhân cụ thể. Ba phương pháp điều trị chủ yếu là:
- Dùng thuốc: Thuốc chống ngưng kết tiểu cầu, thuốc giãn mạch nitrit, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chẹn dòng canxi, thuốc ức chế men chuyển, điều trị hormone thay thế, các thuốc chống oxy hóa.
- Can thiệp động mạch vành: Nong động mạch vành bằng bóng kết hợp đặt stent, bào gọt mảng xơ vữa, khoan mảng xơ vữa…
- Phẫu thuật bắc cầu nối qua chỗ hẹp của động mạch vành.
Bên cạnh đó, không thể thiếu là người bệnh cần điều chỉnh lối sống và các yếu tố nguy cơ đi kèm:
- Vận động thường xuyên, phù hợp với tình trạng sức khỏe.
- Có chế độ ăn uống phù hợp, nhất là ăn ít muối.
- Bỏ thuốc lá.
- Tránh lạnh, tránh xúc động quá mức.
- Người béo phì cần giảm cân.
- Điều trị tốt các yếu tố nguy cơ tim mạch như: rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Bất kể trong trường hợp nào hoặc nguyên nhân đau thắt ngực ổn định là gì thì việc điều chỉnh yếu tố nguy cơ là bắt buộc và phải thực hiện tích cực. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra tần suất của các triệu chứng đau thắt ngực, mức độ triệu chứng tăng lên hoặc chuyển sang đau thắt ngực không ổn định.


---
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559016/#:~:text=Stable%20angina%2C%20also%20is%20known,at%20rest%20or%20with%20nitroglycerin. 
Điều trị học nội khoa – Tập 2 (Đại học Y Hà Nội)
Thực hành chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch vành (Bộ Y tế - 2020)