CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh phổi tiến triển gây khó thở và làm tăng nguy cơ tử vong. COPD không thể chữa khỏi nhưng điều trị có thể cải thiện triệu chứng. Không hút thuốc, tránh tiếp xúc yếu tố nguy cơ, tiêm vaccine, sử dụng thuốc giãn phế quản, phục hồi chức năng phổi và liệu pháp oxy là những biện pháp cơ bản để điều trị COPD.

 
Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bao gồm 2 tình trạng khí phế thủng và viêm phế quản mạn tính, gây hạn chế luồng thông khí và các vấn đề hô hấp. Triệu chứng phổ biến nhất của COPD là ho mạn tính, tăng tiết đờm, thở khò khè, khó thở và mệt mỏi. 

Các yếu tố là nguyên nhân hoặc góp phần làm phát triển bệnh COPD là: thuốc lá, phơi nhiễm nghề nghiệp với bụi, khói, hóa chất; ô nhiễm không khí; sự phát triển bất thường của phổi; hen suyễn, viêm phế quản co thắt; thiếu hụt alpha-1 antitrypsin do di truyền.

COPD ở giai đoạn đầu chưa gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, khó thở khi gắng sức. Sau đó bệnh tiến triển ngày càng ảnh hưởng đến khả năng hô hấp, người bệnh có thể thấy khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi. 

COPD trải qua các giai đoạn ổn định và đợt cấp – khi các triệu chứng trở nặng nhanh chóng. Đợt cấp thường xảy ra khi tiếp xúc với các yếu tố: vi khuẩn, virus, ô nhiễm không khí, khói thuốc, giảm nhiệt độ môi trường, một số loại thuốc...
COPD chưa thể chữa khỏi, bệnh nhân cần được điều trị để kiểm soát triệu chứng, làm chậm tiến triển của bệnh, ngăn ngừa các đợt cấp, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tử vong. 

 
Bệnh nhân COPD cần được chẩn đoán và điều trị sớm

Dưới đây là các biện pháp điều trị, quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:

1. Biện pháp chung để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

a. Ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là: khói thuốc lá, thuốc lào, xì gà, bụi, khói (đốt rơm, củi, than), khí độc, hóa chất...

Trong đó khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chính cần ngăn chặn tuyệt đối vì 2/3 các trường hợp COPD là do khói thuốc gây ra. Người không hút thuốc cần tránh khói thuốc thụ động. Người hút thuốc cần cai thuốc.

Việc cai thuốc lá có thể rất khó khăn. Nhưng bạn cần hiểu đây là biện pháp quan trọng để ngăn chặn COPD tiến triển nặng lên. Ngay cả khi bạn đã hút thuốc lá nhiều năm, việc bỏ thuốc lá vẫn mang lại nhiều lợi ích giúp cải thiện triệu chứng COPD.

Bạn có thể xây dựng kế hoạch cai thuốc, nhờ người thân bạn bè giúp đỡ và sử dụng các thuốc hỗ trợ cai thuốc lá nếu cần. Các thuốc có thể được chỉ định để cai thuốc là nicotine thay thế, bupropion, varenicline, dưới dạng thuốc uống, xịt, ngậm, nhai hoặc miếng dán. Lưu ý là các thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ và chống chỉ định với một số đối tượng, do đó chỉ sử dụng khi đã được bác sĩ tư vấn.

Bên cạnh đó, người phơi nhiễm nghề nghiệp với khói, bụi, hóa chất, khí độc... cần ngừng tiếp xúc với các yếu tố này.

 
Cần cai thuốc lá để điều trị COPD

b. Tiêm vaccine phòng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp

Các bệnh nhiễm trùng đường hấp hấp như cúm, cảm lạnh, covid-19, viêm phổi... là yếu tố nguy cơ gây ra đợt cấp COPD. Để phòng ngừa, bệnh nhân COPD cần tiêm vaccine định kỳ:

- Tiêm vaccine cúm mỗi năm một lần.

- Tiêm vaccine phế cầu (ngừa viêm phổi) mỗi 5 năm một lần.

- Tiêm vaccine Covid-19.

Việc tiêm vaccine sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp và giảm nhẹ mức độ bệnh khi nhiễm trùng, nhờ đó làm giảm đợt cấp COPD nặng.

c. Chương trình phục hồi chức năng hô hấp 

Chương trình phục hồi chức năng hô hấp được sử dụng ở tất cả bệnh nhân COPD, bao gồm:

- Đánh giá bệnh nhân trước khi tham gia phục hồi chức năng hô hấp.

- Tập vận động: tập sức bền, tập sức cơ, các bài tập căng giãn, tập cơ hô hấp.

- Giáo dục sức khỏe và tự quản lý bệnh: kiến thức chung về bệnh COPD, thói quen lối sống, dinh dưỡng, tập luyện thể chất, các bài tập thở, cách làm sạch phế quản, kỹ thuật sử dụng thuốc, cách phòng ngừa và nhận biết đợt cấp, các biện pháp giảm căng thẳng, lo âu...

 
Tập vận động phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD

d. Các biện pháp khác

Bệnh nhân COPD cần có biện pháp phòng ngừa bằng cách:

- Vệ sinh mũi họng thường xuyên.

- Tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu nhiễm bệnh đường hô hấp.

- Rửa tay thường xuyên, tránh đưa tay chạm lên mắt, mũi, miệng.

- Đeo khẩu trang khi đi đến nơi đông người.

- Hạn chế đến khu vực ô nhiễm không khí, đeo khẩu trang để phòng ngừa.

- Giữ nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, phòng tránh ô nhiễm không khí trong nhà.

- Giữ ấm cơ thể nhất là ngực cổ khi trời lạnh.

- Phát hiện sớm và điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt.

- Phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh đồng mắc.

2. Điều trị COPD bằng thuốc

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây hẹp đường phế quản khiến người bệnh khó thở. Sử dụng thuốc giãn phế quản giúp mở đường thở, làm giảm triệu chứng. Đây là biện pháp nền tảng trong điều trị COPD.

Việc dùng nhóm thuốc giãn phế quản có tác dụng ngắn hoặc tác dụng kéo dài, đường phun hít hoặc khí dung, liều lượng và phối hợp các thuốc sẽ phụ thuộc vào mức độ và giai đoạn bệnh COPD.

 
Điều trị COPD bằng thuốc giãn phế quản

3. Điều trị COPD bằng thở oxy dài hạn tại nhà

Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bằng thở oxy dài hạn tại nhà là sử dụng các nguồn cung cấp oxy: bình oxy, máy chiết xuất oxy, các bình oxy lỏng.

Biện pháp này thường được chỉ định khi bệnh nhân COPD bị suy hô hấp mạn tính, đã áp dụng các biện pháp điều trị tối ưu, thiếu oxy máu và có các biểu hiện kèm theo (suy tim, tăng áp động mạch phổi...). Mục đích là làm giảm khó thở và cải thiện các tình trạng do thiếu oxy máu mạn tính.

4. Điều trị COPD thở máy không xâm nhập

Thở máy không xâm nhập hay thông khí nhân tạo không xâm nhập (BiPAP), được sử dụng cho bệnh nhân COPD bị tăng CO2 máu nặng mạn tính và có tiền sử nhập viện hoặc có mắc chứng ngưng thở khi ngủ kèm theo, nhằm giảm tần suất nhập viện. 

Biện pháp này cũng được sử dụng cho bệnh nhân COPD trong đợt cấp để hỗ trợ hô hấp.

 
Điều trị COPD bằng liệu pháp oxy

5. Bệnh nhân COPD cần theo dõi, tái khám định kỳ

Bệnh nhân COPD cần tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ nhằm:

- Điều chỉnh phác đồ điều trị theo mức độ bệnh phù hợp.

- Phát hiện và điều trị các biến chứng của COPD.

- Phát hiện và điều trị các bệnh đồng mắc: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư phổi, giãn phế quản, ngưng thở khi ngủ, loãng xương, rối loạn sức khỏe tâm thần (rối loạn lo âu, trầm cảm)...

- Theo dõi chức năng hô hấp và đánh giá khả năng hoạt động.

Bên cạnh đó, bệnh nhân COPD cần lưu ý các triệu chứng đợt cấp của bệnh: ho nhiều hơn, tăng khó thở, tăng tiết đờm, đờm chuyển thành đờm mủ. Các biểu hiện khác có thể gặp: nặng tức ngực, tăng nhịp tim, loạn nhịp tim, sốt, rối loạn tri giác, mất ngủ, trầm cảm... Hoặc có biểu hiện suy hô hấp cấp: thở nông nhanh hoặc thở chậm, tím ngón tay, ngón chân, tím môi, nói ngắt quãng, co kéo ngực, vã mồ hôi...