TẦM QUAN TRỌNG CỦA MRI NÃO TRONG TẦM SOÁT ĐỘT QUỴ

Tầm soát đột quỵ hay tầm soát nguy cơ đột quỵ là tầm soát các yếu tố bệnh lý dẫn đến đột quỵ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ đột quỵ trong tương lai. Trong đó, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) được xem là phương pháp đặc biệt có giá trị trong tầm soát đột quỵ.

 
MRI là công cụ “vàng” để tầm soát đột quỵ

1. Đột quỵ và các triệu chứng của đột quỵ

Đột quỵ có hai dạng chính là đột quỵ thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết não. Đột quỵ thiếu máu cục bộ còn gọi là đột quỵ nhồi máu não, là tình trạng lưu lượng máu cung cấp cho một phần não bị giảm hoặc tắc nghẽn. Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, máu tràn ra khu vực xung quanh gây tổn thương.

Mạch máu bị vỡ, tắc nghẽn hoặc thu hẹp đáng kể làm cho các tế bào thần kinh não bị thiếu oxy và bắt đầu chết đi, gây ra những hậu quả nặng nề như mất khả năng vận động, mất khả năng nói và mất chức năng nhận thức lâu dài hoặc vĩnh viễn, thậm chí là tử vong.

Vì vậy, cần hết sức lưu ý các triệu chứng đột quỵ phổ biến theo thuật ngữ “B.E.F.A.S.T”:

- Balance – Cân bằng: Bị chóng mặt, loạng choạng, té không giải thích được lý do.

- Eye – Mắt: Đột ngột nhìn mờ hoặc mất thị lực ở một bên hoặc cả hai bên mắt.

- Face – Khuôn mặt: Đột ngột mặt bị tê, méo xệ một bên, hoặc méo miệng. 

- Arm – Cánh tay: Đột ngột tê hoặc yếu cánh tay, không thể nhấc tay hoặc chân lên được.

- Speech - Ngôn ngữ: Đột ngột khó nói, nói ngọng hoặc không hiểu lời nói.

- Time – Thời gian: Nếu ai đó đang có các dấu hiệu trên, hãy đưa họ đến cơ y tế có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất có thể. 

Đối với đột quỵ, thời gian là yếu tố quyết định, để càng lâu, biến chứng sẽ càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bị đột quỵ không được cấp cứu kịp thời, khi đến bệnh viện thì đã chậm. Vì vậy, việc phòng bệnh, đặc biệt là ở những người có yếu tố nguy cơ cao luôn được khuyến khích. Ngoài có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, việc tầm soát đột quỵ định kỳ chính là cách hiệu quả nhất để kiểm soát nguy cơ đột quỵ.

2.Tầm quan trọng của MRI não trong tầm soát đột quỵ

 
MRI giúp phát hiện các tổn thương và bất thường trong não

Tầm soát đột quỵ bao gồm các xét nghiệm nhằm tìm ra các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, cholesterol cao, đái tháo đường, béo phì, bệnh lý tim, bệnh lý não, những mảng xơ vữa động mạch hoặc bất kỳ tổn thương và bệnh lý nào có thể gây ra đột quỵ.

Trong đó, chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh rất quan trọng trong tầm soát chuyên sâu đột quỵ, có thể dự đoán chính xác các cơn đột quỵ ngay cả ở những người không có tiền sử bệnh tim.  MRI giúp kiểm tra các tổn thương nhu mô não và tình trạng mạch máu não như hẹp mạch máu não; các bệnh lý về mạch máu não như dị dạng mạch máu não hoặc túi phình mạch máu não.

MRI là một xét nghiệm không đau, không xâm lấn, tạo ra hình ảnh chi tiết về não và thân não. Khác với chụp X-quang hay CT, MRI không sử dụng bức xạ để tạo ra hình ảnh mà sử dụng từ trường và sóng vô tuyến, do đó nó an toàn hơn.

Chụp MRI tạo ra hình ảnh 3D về các cấu trúc bên trong não, hiệu quả hơn các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác trong việc phát hiện các bất thường trong các cấu trúc nhỏ của não như tuyến yên và thân não. Chất cản quang thường được sử dụng trong MRI để cho ra hình ảnh rõ ràng hơn, hỗ trợ hiệu quả cho bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị đột quỵ.

3.Ai nên tầm soát đột quỵ chuyên sâu?

 
Tầm soát đột quỵ nền được thực hiện càng sớm càng tốt

Những người từng bị đột quỵ, đã bị một cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) – một tình trạng tương tự như đột quỵ thiếu máu và hồi phục trong vòng 24 giờ, hoặc có các yếu tố nguy cơ đột quỵ dưới đây nên tầm soát đột quỵ càng sớm càng tốt:

- Tăng huyết áp

- Cholesterol cao (mỡ máu)

- Hút thuốc lá và sử dụng rượu bia

- Tiểu đường (đái tháo đường)

- Béo phì

- Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)

- Hẹp động mạch cảnh

- Dị dạng mạch máu não (phình động mạch hoặc dị dạng động tĩnh mạch)

- Rung tâm nhĩ (AF)

- Bệnh tim, mạch vành, bệnh van tim và dị tật tim bẩm sinh 

- Bệnh hồng cầu hình liềm (SCD)

- Chứng ngưng thở khi ngủ

- Tiền sử gia đình có người bị đột quỵ 

- Vấn đề tâm lý (stress, trầm cảm)

Tầm soát đột quỵ chuyên sâu nên được thực hiện mỗi năm một lần và tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người mà có thể cần tầm soát sớm hơn.
Ngay cả những người không có dấu hiệu hoặc triệu chứng bệnh lý nào cũng nên tầm soát đột quỵ để xác định sớm các yếu tố có thể dẫn đến đột quỵ (nếu có). Từ đó có phương pháp điều trị, cải thiện, kiểm soát bệnh lý và thay đổi lối sống phù hợp nhằm hạn chế nguy cơ đột quỵ.

Tham khảo gói tầm soát nguy cơ đột quỵ tại đây: GÓI TẦM SOÁT NGUY CƠ ĐỘT QUỴ CHUYÊN SÂU NĂM 2021

BS CKI. Lâm Thuỳ Nga