NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ ĐỘC TỐ BOTULINUM

Những điều cần biết về độc tố Botulinum

1. Vi khuẩn C.Botulinum và độc tố Botulinum là gì?
Clostridium botulinum (C.botulinum) là một vi khuẩn Gram dương, có hình thái bào tử hình que, sống kỵ khí, di chuyển được, có khả năng sản xuất các độc tố botulinum khi sinh bào tử trong môi trường yếm khí.

C.botulinum lần đầu tiên được công nhận và phân lập vào năm 1895 bởi Emile Van Ermengem, từ một vụ bùng phát bệnh ngộ độc thức ăn do sử dụng giăm bông nhiễm độc tố vi khuẩn C.botulinum.

Trong tự nhiên, các bào tử của vi khuẩn C.botulinum phổ biến và có khả năng sống sót cao ở trong đất và bụi, được tìm thấy trong đát vườn, nghĩa trang, bùn, phân động vật tươi hoặc đã ủ, đường tiêu hóa của động vật.



Vi khuẩn C.Botulinum


2. Độc tố Botulinum xuất hiện ở đâu?
Botulinum là độc tố mạnh nhất từng biết đến với liều lượng gây chết người (khoảng 1.2-1.3 ng/kg khi tiêm và 10-13 ng/kg khi hít vào). Có 7 loại độc tố Botulinum chính là A, B, C, D, E ,F, G. Trong đó, A và B có khả năng gây bệnh cho người, chiếm 98.7% các trường hợp.

Độc tố Botulinum trở thành mối nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng khi thực phẩm đóng hộp trở thành ngành công nghiệp phát triển và lan rộng.

Độc tố Botulinum được công nhận an toàn và hiệu quả để tạo thuốc Botox được sử dụng trong mỹ phẩm từ năm 1989 do Richard Clack, một bác sĩ thẩm mỹ từ Sacramento.



Độc tố Botulinum được ứng dụng trong thẩm mỹ


3. Nguyên nhân nhiễm độc tố Botilinum
Trẻ sơ sinh trong 12 tháng tuổi đang tạo hệ vi sinh đường ruột nên rất dễ nhiễm C. botulinum từ môi trường. Mật ong được xác định là một yếu tố phổ biên gây nguy cơ ngộ độc cho trẻ sơ sinh (chiếm 1/5 các ca nhiễm C. botulinum ở Anh).

a. Thực phẩm

 
Nguy cơ ngộ độc Botulinum từ thực phẩm đóng hộp


Vi khuẩn C.botulinum phổ biến trong môi trường nên có thể lây nhiễm qua các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Đặc biệt là các lọai thực phẩm đóng hộp như: sữa bột, pho mát, xúc xích, lạp xưởng, thực phẩn lên men yếm khí.

Các thực phẩm đóng hộp thường sử dụng nitric để ức chế độc tố botulinum. Các thực phẩm đóng hộp được chế biến thô sơ rất dễ nhiễm khuẩn C. botulinum.

b. Vết thương
Vết thương nhiễm vi khuẩn C. botulinum sẽ tiết độc tố vào máu từ các vết thương hở. Trường hợp này phổ biến từ những năm 1990 ở những người nghiện ma túy và tiêm chích heroin vào da.

Một số trường hợp hiếm hoi người được phát hiện bị nhiễm độc tố Botulinum do sử dụng mỹ phẩm chứa Botox không phù hợp.

4. Biểu hiện và khuyến nghị điều trị độc tố Botulinum

Các triệu chứng ngộ độc Botulinum thường xuất hiện trong khoảng 12-36 giờ (thức ăn có sẵn độc tố), khoảng 3-10 ngày sau (thức ăn có nha bào vi khuẩn C. botulinum).

Độc tố Botulinum phân cắt các protein cần thiết để kích hoạt thần kinh khiến các tế bào không giải phóng được các túi chứa chất dẫn truyền thần kinh làm ngừng tín hiệu thần kinh dẫn đến tê liệt. Thời gian ủ bệnh càng ngắn độc tố càng nhiều và nguy cơ tử vong càng cao.

Biểu hiện ban đầu của bệnh: cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Khi độc tố xâm nhập sâu hơn, có các triệu chứng: Nhìn mờ, sụp mí mắt, liệt mềm 2 bên mặt, gây khó nuốt hoặc khó nói.Người nhiễm độc tố Botulinum hoàn toàn tỉnh táo và không có triệu chứng sốt.

Giai đoạn cuối, chất độc có thể lan rộng, làm tê liệt các cơ, đặc biệt là tê liệt cơ ngực gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Khuyến nghị điều trị cụ thể được xem xét trên từng nhóm bệnh nhân có mức độ khác nhau.

Chăm sóc hỗ trợ là cơ sở điều trị chính với ngộ độc độc tố botulinum, phải theo dõi sát tình trạng hô hâp thông qua theo dõi thường xuyên nhịp thở, độ bão hòa oxy.

Ngoài ra, cần đánh giá bệnh nhân về mức độ phản xạ yết hầu và ho, kiểm soát tiết dịch họng thanh quản để có biện pháp xử lý y tế thích hợp.

5. Cách phòng tránh nhiễm độc tố Botulinum
Không ăn thực phẩm đóng hộp nếu hộp đựng của nó bị phồng lên hoặc nếu thực phẩm có mùi hư hỏng. Vi khuẩn C. botilinum có thể chịu được nhiệt độ cao trong thời gian dài nhưng độc tố sẽ bị phá hủy nhanh chóng bởi nhiệt.

Vì vậy, người sử dụng có thể loại bỏ độc tố botulinum bằng cách hâm nóng thực phẩm ở nhiệt độ hơn 85℃ trong hơn 5 phút. Đối với trường hợp ngộ độc botulinum ở trẻ do ăn mật ong có thể được ngăn ngừa bằng cách không cho trẻ nhũ nhi ăn mật ong.

BS CKI NGUYỄN THỊ NGỌC MAI – CK Tiêu Hoá Gan Mật