NGƯNG THỞ KHI NGỦ TRUNG ƯƠNG (CSA) LÀ GÌ


1. Ngưng thở khi ngủ trung ương là gì?

Ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA) là một loại rối loạn xảy ra trong khi ngủ, biểu hiện bằng sự ngưng thở trong một khoảng thời gian ngắn, lặp lại nhiều lần. Chứng ngưng thở khi ngủ trung ương nếu không phát hiện ra có thể gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và chất lượng cuốc sống, thậm chí là xảy ra tai nạn do buồn ngủ quá mức. 

 
Ngưng thở do trung ương xảy ra trong khi ngủ

Có 2 loại ngưng thở khi ngủ là ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) và ngưng thở khi ngủ do trung ương (CSA).

Trong khi OSA phổ biến, xảy ra do đường thở bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn thì CSA ít gặp hơn, xảy ra do sự bất ổn của trung tâm hô hấp khiến não không gửi tín hiệu thích hợp đến các cơ kiểm soát hoạt động thở. 

Trong hầu hết các trường hợp, chứng ngưng thở khi ngủ trung ương có liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hoặc do tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, hoặc sử dụng chất gây nghiện… 

2. Nguyên nhân nào gây ra chứng ngưng thở khi ngủ trung ương?

Ngưng thở là một thuật ngữ y tế được sử dụng để mô tả quá trình thở chậm lại hoặc ngừng thở. Ngưng thở thường xảy ra trong giấc ngủ, vì vậy, nó thường được gọi là chứng ngưng thở khi ngủ. Tình trạng sức khỏe tiềm ẩn gây ra hầu hết các trường hợp ngưng thở khi ngủ trung ương. Đặc biệt là các tình trạng y tế ảnh hưởng đến thân não, tủy sống hoặc tim. Tùy vào tình trạng ngưng thở khi ngủ trung ương mà có các nguyên nhân khác nhau như:

- Nhịp thở Cheyne – Stokes xảy ra phổ biến ở những người đã bị suy tim hoặc đột quỵ. Nó chiếm gần một nửa số trường hợp ngưng thở khi ngủ trung ương.

- Ngưng thở do thuốc gây ra bởi một số loại thuốc như oxycodone (oxaydo, roxicodone), morphine (kadian, morphabond) và codeine.

- Nhiều người bị khó thở khi lên độ cao, thường là 2.500 mét (8.000 feet) trở lên.

- Ngưng thở do một số tình trạng bệnh lý như tổn thương thân não, suy tim, bệnh Parkinson, đột quỵ và suy thận.

- Đôi khi một người bị ngưng thở trung ương nhưng không tìm được lý do.

- Một số người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn khi điều trị với thông khí áp suất đường thở dương liên tục (CPAP), có thể phát triển thành ngưng thở khi ngủ trung ương. Đây là chứng ngưng thở khi ngủ rất phức tạp.

3. Ai có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ trung ương

Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải bất kỳ dạng ngưng thở khi ngủ nào. Nhưng ngưng thở khi ngủ trung ương phổ biến hơn ở những người lớn tuổi, đặc biệt là những người trên 65 tuổi, có bệnh lý nền nặng. Tỷ lệ nam giới mắc chứng ngưng thở khi ngủ trung ương cao hơn so với nữ giới.

Những tình trạng bệnh lý sau có thể khiến một người dễ mắc ngưng thở khi ngủ trung ương:

- Rung nhĩ và suy tim sung huyết

- Bệnh suy giáp

- Suy thận

- Bệnh thần kinh, chẳng hạn như bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, xơ cứng teo cơ một bên (còn gọi là ALS hoặc Lou Gehrig)

- Tổn thương thân não do viêm não, u não, đột quỵ hoặc chấn thương

- Viêm khớp cột sống cổ

- Phẫu thuật hoặc xạ trị ở cột sống

- Người thường xuyên sử dụng thuốc opioid như: codeine, morphin hoặc oxycodone

4. Các triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ trung ương là gì?

Nếu như ngáy là triệu chứng phổ biến nhất của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, thì bệnh nhân ngưng thở khi ngủ trung ương thường không ngáy. Triệu chứng chính của nó là những khoảng thời gian ngắn bị ngừng thở. Một số trường hợp sẽ có biểu hiện thở nông thay vì ngừng thở.

Một số biểu hiện khác thường gặp ở chứng ngưng thở khi ngủ trung ương là:

- Thức giấc liên tục kèm theo khó thở

- Cơn khó thở có thể thuyên giảm khi ngồi dậy

- Mất ngủ

- Đau đầu sau khi thức dậy

- Mệt mỏi cả ngày

- Buồn ngủ quá mức vào ban ngày

- Khó tập trung

- Suy giảm trí nhớ

- Tâm trạng dễ cáu kỉnh

- Không thể tập thể dục nhiều như bình thường

5. Làm thế nào để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ trung ương?

 
Đo đa ký giấc ngủ chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ trung ương

Đo đa ký giấc ngủ (polysomnography) là phương pháp để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ. Người bệnh cần ngủ lại một đêm ở cơ sở y tế cùng với các thiết gắn lên người để đo các hoạt động sau:

- Hoạt động điện não

- Chuyển động của mắt

- Hoạt động cơ bắp

- Nhịp tim

- Kiểu thở, nhịp thở và luồng không khí ra vào cơ thể

- Nồng đồ oxy trong máu

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để xác định nguyên nhân gây ra chứng ngưng thở khi ngủ trung ương.

6. Các phương pháp điều trị cho chứng ngưng thở khi ngủ trung ương là gì?

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng ngưng thở khi ngủ. Nếu chứng ngưng thở khi ngủ do một số bệnh lý gây ra, thì điều đầu tiên là quản lý các bệnh lý này. Thuốc có thể giúp kiểm soát các bệnh về tim, thận và hệ thần kinh khác.

Ngừng sử dụng thuốc opioid nếu những loại thuốc này là nguyên nhân gây ra chứng ngưng thở khi ngủ trung ương.Ngoài ra, người mắc chứng ngưng thở khi ngủ trung ương có thể cần bổ sung oxy và điều chỉnh áp suất không khí để giúp đường thở lưu thông liên tục trong khi ngủ.

Chứng ngưng thở khi ngủ trung ương nếu không phát hiện ra có thể gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe, đặc biệt là tim mạch. Tình trạng mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và chất lượng cuốc sống, thậm chí là xảy ra tai nạn do buồn ngủ quá mức. Vì vậy, quan trọng là người bệnh cần xác định sớm bệnh lý của mình. Hãy đến gặp bác sĩ nếu thường xuyên bị khó thở, thức giấc nhiều lần trong đêm, mệt mỏi mạn tính hoặc buồn ngủ quá mức vào ban ngày.