KỸ THUẬT SIÊU ÂM DOPPLER LÀ GÌ? ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ LÀM GÌ

Siêu âm Doppler là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng hiệu ứng Doppler để hiển thị dòng chảy của máu qua các mạch máu mà siêu âm thông thường không thể cung cấp được. Siêu âm Doppler giúp đánh giá chức năng tim và các tình trạng tổn thương tim và mạch máu. 

 
Siêu âm Doppler mạch máu chi dưới

1. Siêu âm Doppler là gì?

Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh cấu trúc bên trong cơ thể. Trong đó siêu âm Doppler là kỹ thuật siêu âm sử dụng hiệu ứng Doppler, đo sóng âm được phản xạ lại từ các vật thể chuyển động, nhờ đó ước tính được lưu lượng máu, tốc độ tuần hoàn và xác định hướng của dòng chảy.

Hiện nay, máy siêu âm Doppler đã được áp dụng phổ biến ở các cơ sở khám chữa bệnh nhằm nâng cao khả năng phát hiện các bệnh lý tim, động mạch và tĩnh mạch. Các dòng máy siêu âm Doppler khác nhau được sử dụng để khảo sát các vùng khác nhau: động tĩnh mạch chủ và chậu, động mạch cảnh – đốt sống, chi trên, chi dưới, tim, gan, thận, tinh hoàn, tử cung, buồng trứng, thai, tuyến giáp, hốc mắt, nội sọ…

So với các phương pháp chẩn đoán khác như chụp CT mạch máu hay chụp MRI mạch máu, siêu âm Doppler có nhiều ưu điểm như:

- Dễ áp dụng.

- Rất an toàn, có thể áp dụng cho phụ nữ có thai.

- Không xâm lấn, không sử dụng tia bức xạ.

- Chi phí thấp hơn.

- Có kết quả nhanh.

2. Có các loại siêu âm Doppler nào?

- Doppler liên tục: Sóng siêu âm phát ra và phản xạ lại liên tục, cho phép khảo sát các dòng máu có vận tốc cao.

- Doppler xung: Sóng siêu âm phát ra và phản xạ lại theo chu kỳ, ứng dụng để khảo sát các dòng màu có vận tốc thấp.

- Doppler màu: Là dạng mã hóa màu của doppler xung, cho phép hình dung chuyển động, tốc độ và hướng chảy của dòng máu trong màu sắc, ứng dụng để khảo sát các dòng màu có vận tốc thấp.

- Doppler năng lượng: Là một dạng Doppler màu mới hơn, cung cấp nhiều chi tiết nhưng không hiển thị hướng chảy của dòng máu, ứng dụng để khảo sát các dòng máu có vận tốc rất thấp.

- Doppler mô (Tissue doppler imaging): Thể hiện dưới dạng đồ thị, định lượng các tín hiệu phát ra từ sự vận động của cơ tim.

3. Mục đích của siêu âm Doppler?

Kết quả của siêu âm Doppler giúp bác sĩ chẩn đoán nhiều bệnh lý, bao gồm các bất thường về tim hay mạch máu. Tùy vào vị trí mà siêu âm Doppler được thực hiện để kiểm tra:

- Chức năng tim (thường được thực hiện cùng điện tâm đồ).

- Cấu trúc tim bất thường và bệnh tim bẩm sinh.

- Tổn thương mạch máu.

- Hẹp, tắc nghẽn mạch máu. Ví dụ: Huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), bệnh động mạch ngoại biên (PAD), hẹp động mạch cảnh…

- Giãn, phình động mạch. Ví dụ: Suy giãn tĩnh mạch, phình động mạch chủ…

- Viêm tắc tĩnh mạch chi dưới.

- Khối u mạch máu.

- Theo dõi lưu lượng máu sau phẫu thuật, nhất là các trường hợp ghép tạng.

- Kiểm tra tuần hoàn, đánh giá sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

4. Khi nào cần siêu âm Doppler?
 
Siêu âm Doppler đánh giá động mạch cảnh

Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm Doppler nếu bệnh nhân có các dấu hiệu giảm lưu lượng máu đến cánh tay, chân hoặc não, nghi ngờ do các nguyên nhân: cục máu đông, hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch, chấn thương mạch máu.

Siêu âm Doppler động mạch cảnh – cột sống có thể được chỉ định trong các trường hợp như:

- Chấn thương vùng cổ;

- Mù thoáng qua;

- Tai biến mạch máu não thoáng qua (TIA);

- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ;

- Theo dõi tình trạng xơ vữa động mạch cảnh;

- Theo dõi sau phẫu thuật, can thiệp động mạch cảnh.

Siêu âm Doppler động mạch chủ có thể được chỉ đinh trong các trường hợp như:

- Phát hiện khối phình, đập theo nhịp tim;

- Rối loạn huyết động;

- Đã được chẩn đoán phình động mạch ở vị trí khác;

- Theo dõi can thiệp động mạch chủ;

- Có tiền sử gia đình bị phình động mạch chủ.

Siêu âm Doppler động mạch máu chi dưới có thể được chỉ định trong trường hợp:

- Đau cách hồi chi dưới;

- Chỉ số huyết áp động mạch cổ chân – cánh tay (ABI) bất thường;

- Đánh giá khả năng liền sẹo;

- Loét, hoại tử chi dưới;

- Phình động mạch.

Siêu âm Doppler tĩnh mạch chi dưới có thể được chỉ định trong trường hợp:

- Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu;

- Nghi ngờ thuyên tắc phổi;

- Có triệu chứng nghi ngờ giãn tĩnh mạch;

- Giãn tĩnh mạch dạng lưới trên da.

Siêu âm Doppler tim trong các trường hợp như:

- Mệt mỏi, khó thở, nghi ngờ do thiếu oxy kéo dài;

- Đánh giá chức năng thất trái;

- Đánh giá chức năng thất phải;

- Phát hiện dịch màng tim;

- Ngừng tuần hoàn;

- Phát hiện phình tách động mạch chủ ngực đoạn gần tim.

Ở phụ nữ mang thai, siêu âm Doppler được chỉ định để đánh giá sự phát triển của thai nhi như thai chậm phát triển trong tử cung, tiền sản giật, nguy cơ tim bẩm sinh…

5. Quy trình siêu âm Doppler

Siêu âm Doppler thường bao gồm các bước sau:

- Bệnh nhân nằm trên bàn khám, để lộ vùng cơ thể cần kiểm tra.

- Bác sĩ thoa một lớp gel lên vùng da cần kiểm tra.

- Sử dụng đầu dò di chuyển qua lại để kiểm tra. Đầu dò phát sóng âm vào cơ thể và thu lại sóng phản hồi, các sóng được chuyển đổi thành hình ảnh hoặc đồ thị lên màn hình vi tính.

- Thời gian thực hiện tùy thuộc vào vị trí siêu âm, có thể kéo dài từ 30-60 phút.

- Sau khi kiểm tra xong, bệnh nhân lau sạch gel và chờ nhận kết quả.

6. Lưu ý khi siêu âm Doppler

Để quá trình siêu âm diễn ra thuận lợi và hiệu quả, bạn cần lưu ý:

- Khi đi khám nên mặc trang phục thoải mái.

- Cần cởi quần áo và trang sức khỏi khu vực cần siêu âm.

- Không hút thuốc lá, thuốc lào hay sản phẩm khác có nicotin trong ít nhất hai giờ trước khi siêu âm vì nicotine có thể gây ảnh hưởng đến kết quả.

- Nếu siêu âm Doppler bụng, cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng trước khi làm xét nghiệm.

- Nếu siêu âm Doppler vùng chậu, cần uống nhiều nước để làm đầy bàng quang trước khi xét nghiệm.

- Nếu siêu vùng khác như chi dưới, chi trên hay động mạch cảnh thì không cần nhịn ăn.