KHÁM PHỤ KHOA GỒM KHÁM NHỮNG GÌ

1. Khám phụ khoa là khám những gì?

Khám phụ khoa tập trung vào kiểm tra và chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản của phụ nữ. Qua đó phát hiện các bệnh lý viêm nhiễm, dị dạng và rối loạn đường sinh dục, bệnh lý cơ quan sinh sản, tiền ung thư và ung thư phụ khoa.  

 
Khám phụ khoa kiểm tra hệ thống cơ quan sinh dục nữ

2. Vì sao phải khám phụ khoa định kỳ?

Mặc dù sức khỏe sinh sản rất quan trọng đối với phụ nữ, nhưng đa phần phụ nữ chỉ đi khám phụ khoa khi thực hiện các biện pháp tránh thai hoặc khi có triệu chứng cụ thể như đau, ngứa, rát, viêm vùng kín… Có rất ít người xem khám phụ khoa là một kiểm tra quan trọng cần được thực hiện định kỳ. Điều này một phần vì chủ quan, nhưng chủ yếu là do tâm lý ngại ngùng.

Đã có những trường hợp bệnh tưởng chừng như vô hại nhưng do phát hiện trễ, bệnh đã diễn tiến phức tạp, gây ra viêm nhiễm nặng, u xơ tử cung, ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con, thậm chí là vô sinh, ung thư và tử vong. 

Vì vậy, phụ nữ cần chủ động bảo vệ bản thân bằng cách khám phụ khoa định kỳ để đánh giá sức khỏe cơ quan sinh dục và sinh sản.

Từ kết quả khám phụ khoa, phụ nữ có thể được phát hiện và điều trị sớm bệnh lý phụ khoa nhằm hạn chế những biến chứng. Ngoài ra, phụ nữ sẽ có thêm các kiến thức và thông tin phụ khoa, từ đó lên kế hoạch chăm sóc và phòng ngừa để có một sức khỏe sinh sản tốt nhất.

3. Khám phụ khoa là khám những gì?

Khám phụ khoa đánh giá sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Đầu tiên, bác sĩ phụ khoa sẽ khám lâm sàng, sau đó tiến hành tư vấn làm một số xét nghiệm định kỳ để phát hiện bất thường như:

- Soi tươi – nhuộm huyết trắng

- Siêu âm bụng

- Xét nghiệm Pap smear (tầm soát ung thư cổ tử cung)

- Soi cổ tử cung

Đối với nữ vị thành niên hoặc phụ nữ chưa quan hệ tình dục sẽ được tư vấn thêm về các biện pháp ngừa thai, an toàn tình dục, tiêm phòng vaccine HPV (vaccine ngừa ung thư cổ tử cung), soi tươi – nhuộm huyết trắng, siêu âm bụng để phát hiện u xơ, u nang…

Thông qua khám phụ khoa, bác sĩ có thể phát hiện:

- Các tình trạng viêm nhiễm (do nấm, virus, vi khuẩn), bao gồm cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Dị dạng đường sinh dục có thể ảnh hưởng tới việc mang thai và sinh con (tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn…).

- Các bệnh lý cơ quan sinh sản (viêm cổ tử cung, u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, u nang buồng trứng…)

- Tổn thương tiền ung thư (cổ tử cung, nội mạc tử cung). Điều này vô cùng quan trọng, vì nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi. Nếu phát hiện trễ, việc điều trị không những tốn kém mà còn không hiệu quả, có thể tử vong. 

- Ung thư phụ khoa (ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, ung thư buồng trứng).

4. Ai nên khám phụ khoa?

 
Phụ nữ đừng ngại khám phụ khoa

Bệnh lý phụ khoa có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, cho dù phụ nữ đã kết hôn hay chưa. Vì vậy, phụ nữ từ 18 tuổi trở lên hoặc đã quan hệ tình dục cần khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 đến 12 tháng. Xét nghiệm Pap smear nên được thực hiện ít nhất mỗi 3 năm 1 lần.

Phụ nữ cần khám phụ khoa ngay khi có các dấu hiệu bất thường như:

- Đau, ngứa, rát âm đạo

- Chảy máu âm đạo bất thường

- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt

- Dịch âm đạo bất thường (có mùi hôi hoặc màu sắc lạ)

- Các vấn đề liên quan đến niệu đạo

- Đau hoặc chảy máu nhiều khi quan hệ tình dục

- Đau vùng chậu

Ngoài ra trước khi kết hôn hoặc trước khi mang thai, phụ nữ cũng cần khám phụ khoa để kiểm tra sức khỏe sinh sản. 

5. Những lưu ý khi đi khám phụ khoa?

Để việc thăm khám đạt hiệu quả tốt nhất, phụ nữ khi đi khám phụ khoa cần lưu ý:

- Chuẩn bị tâm lý thoải mái, tránh lo lắng, căng thẳng.

- Không đi khám trong kỳ kinh nguyệt, chỉ khám sau khi sạch kinh 3-5 ngày.

- Không quan hệ tình dục trong 48 tiếng trước đó.

- Ngưng sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ, không thụt rửa âm đạo.

- Ngưng sử dụng thuốc đặt âm đạo trong 72 giờ.

- Không sử dụng rượu, bia hoặc thức ăn ngọt.

- Mặc trang phục thoải mái, thuận tiện cho việc thăm khám.