ĐO ĐIỆN NÃO ĐỒ (EEG) ĐỂ CHẨN ĐOÁN RỐI LOẠN GIẤC NGỦ

Điện não đồ (EEG) ghi lại hoạt động điện não của con người nhằm mục đích chẩn đoán và điều trị. Một trong những ứng dụng của điện não đồ là phát hiện và chẩn đoán các tình trạng rối loạn giấc ngủ.

 
Điện não đồ ghi lại hoạt động điện não khi ngủ

1. Rối loạn giấc ngủ là gì?

Rối loạn giấc ngủ là ngủ không ngon một cách thường xuyên, khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ, giấc ngủ không sâu hoặc chỉ ngủ được một giấc ngắn, thức dậy sớm và không thể ngủ lại. 

Giấc ngủ là nhu cầu không thể thiếu của con người và mỗi ngày chúng ta cần dành ra khoảng 1/3 thời gian cho giấc ngủ. Ngủ không đủ giấc có thể gây ra nhiều hậu quả bất lợi cho sức khỏe và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động ban ngày.

Các loại rối loạn giấc ngủ thường gặp là chứng ngủ rũ, hội chứng ngưng thở khi ngủ, rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học (do lệch múi giờ, làm việc theo ca…), và chứng mất ngủ (rối loạn hành vi giấc ngủ REM…).

Mất ngủ gây ra tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày, tâm trạng cáu kỉnh, giảm khả năng tập trung, có thể dẫn đến tai nạn lao động, tai nạn giao thông… Ngoài ra, ngủ không đủ giấc làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và các rối loạn chuyển hóa khác, bệnh tim mạch và sự thay đổi nhận thức, hành vi và tâm trạng.

2. Vai trò của điện não đồ trong chẩn đoán rối loạn giấc ngủ

Hiện nay, các phương pháp đánh giá cấu trúc và chất lượng giấc ngủ ngày càng được sử dụng rộng rãi.  Nghiên cứu điện não đồ về giấc ngủ cũng tăng lên đáng kể, phạm vi bao gồm cả các rối loạn phát triển thần kinh và tâm thần kinh có thể kéo theo các vấn đề về giấc ngủ.

Giấc ngủ là một quá trình phức tạp liên quan đến một số cấu trúc não như vùng dưới đồi, thân não, đồi thị, tuyến tùng và nền trước não. Giấc ngủ trải qua hai giai đoạn chính luân phiên nhau là giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) và giấc ngủ chuyển động mắt không nhanh (NREM), có thể ghi nhận dưới dạng sóng điện não.

Điện não đồ (EEG) cho phép bác sĩ đánh giá toàn diện hơn về hoạt động điện não liên quan đến giấc ngủ, bằng cách sử dụng các điện cực gắn vào da đầu và hiển thị dưới dạng các đường lượn sóng trên bản ghi điện não đồ. Mỗi giai đoạn giấc ngủ sẽ thể hiện bằng các phân đoạn sóng điện não đặc trưng khác nhau như: delta, theta, alpha và beta.

Thông qua các tín hiệu điện não đồ của từng giai đoạn giấc ngủ, bác sĩ có thể xác định chất lượng giấc ngủ của một cá nhân, chẩn đoán rối loạn giấc ngủ và các nguyên nhân liên quan.

Có thể nói, điện não đồ là một xét nghiệm cần thiết trong việc phát hiện các rối loạn giấc ngủ, giúp bác sĩ lập kế hoạch điều trị hiệu quả hơn.

 
Điện não đồ thể hiện hoạt động điện não liên quan đến giấc ngủ

3. Các loại điện não đồ chẩn đoán rối loạn giấc ngủ

Tùy thuộc vào mục đích kiểm tra mà điện não đồ có thể được thực hiện khi ngủ hoặc tỉnh táo.

a. Điện não đồ khi thiếu ngủ

Ở phương pháp điện não đồ khi thiếu ngủ, bệnh nhân được yêu cầu ngủ không quá 5 giờ vào đêm trước khi đo điện não đồ và không sử dụng thực phẩm chứa caffein. Đo điện não đồ khi thiếu ngủ có thể hữu ích ở những người bị nghi ngờ có cơn vắng ý thức, giật cơ hoặc co giật cục bộ.

b. Điện não đồ khi ngủ

Kiểm tra điện não đồ khi ngủ được thực hiện để phát hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào của sóng não khi một người đang ngủ. 

Điện não đồ khi ngủ có thể theo dõi trong 01-02 giờ hoặc cả đêm tùy vào mục đích. 

Nếu đo trong cả đêm (đa ký giấc ngủ) thì người bệnh sẽ được yêu cầu đến cơ sở y tế và ngủ lại đó một đêm với các thiết bị theo dõi gắn lên người. Trong đa ký giấc ngủ, ngoài điện não đồ thì bác sĩ có thể kiểm tra nhiều thông tin khác như:

- Lưu lượng khí thở 

- Độ bão hòa oxy trong máu

- Nhịp tim

- Hoạt động điện cơ (EMG)

- Nhãn cầu đồ (EOG)

- Cử động chân

- Vận động thành ngực, bụng

- Tư thế cơ thể

- Ngáy

 
Điện não đồ khi ngủ trong đo đa ký giấc ngủ

4. Đo điện não đồ trong chẩn đoán rối loạn giấc ngủ có hại gì không?

Đo điện não là phương pháp không xâm lấn, không sử dụng bức xạ hay bất kỳ loại thuốc nào, vì vậy nó hoàn toàn vô hại và không gây đau. Đây cũng là phương pháp nhanh chóng, đơn giản và chi phí thấp để phân tích chức năng não.

5. Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điện não đồ

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả điện não đồ như:

- Hạ đường huyết

- Ánh sáng nhấp nháy trong phòng

- Một số loại thuốc

- Đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà

- Dầu, xịt tóc

Nhìn chung, giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người, nên việc phát hiện và điều trị rối loạn giấc ngủ là không thể thiếu để đảm bảo chất lượng cuộc sống. Đo điện não đồ là một cách giúp bác sĩ, chuyên gia giấc ngủ đưa ra chẩn đoán và đánh giá rối loạn giấc ngủ một cách chính xác, để từ đó bệnh nhân có phương pháp điều trị hiệu quả hơn.