CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ (MRI) GAN: VAI TRÒ, ƯU NHƯỢC ĐIỂM, QUY TRÌNH

Chụp cộng hưởng từ gan là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để chẩn đoán các bệnh lý gan, đường mật và mạch máu gan. MRI gan rất hiệu quả để phát hiện các tổn thương gan nhỏ nhờ vào khả năng tương phản mô mềm tốt. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về MRI gan.

 
Sử dụng MRI để chẩn đoán bệnh gan

1. Chụp cộng hưởng từ (MRI) gan là gì?

Chụp cộng hưởng từ gan (Liver magnetic resonance imaging) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để mô phỏng lại hình ảnh của gan. 

MRI gan vượt trội hơn chụp cắt lớp vi tính (CT) vì có độ phân giải hình ảnh tốt, khả năng tương phản mô mềm cao, có thể cung cấp được các thông tin về tổn thương gan khu trú, di căn gan, bệnh mạch máu gan, bệnh đường mật, kể cả các tổn thương nhỏ.

2. Vai trò của chụp cộng hưởng trong chẩn đoán bệnh gan

Việc phát hiện sớm các tổn thương ở gan, đặc biệt là khối u ác tính là rất quan trọng để điều trị sớm nhằm tăng khả năng sống ở bệnh nhân. 

Mặc dù siêu âm và CT là hai kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được dùng phổ biến để chẩn đoán bệnh gan, nhưng ngày này MRI ngày càng được chứng minh nhạy hơn để phát hiện các di căn gan nhỏ và tổn thương gan khu trú nhỏ.

Điều này đến từ khả năng chẩn đoán tốt các mô mềm của MRI, cho phép phát hiện và mô tả các tổn thương nhỏ. Chụp cộng hưởng từ sử dụng thuốc tương phản còn cải thiện tốt hơn nữa khả năng mô tả đặc điểm tổn thương ở gan.

MRI còn là phương pháp chẩn đoán trước phẫu thuật gan để có được các thông tin về số lượng, kích thước, vị trí để xác định khả năng phẫu thuật và lên kế hoạch phẫu thuật.

 
MRI phát hiện được các tổn thương nhỏ ở gan

3. Khi nào cần chụp cộng hưởng từ gan

Bác sĩ sẽ chỉ định chụp cộng hưởng từ gan trong trường hợp nghi ngờ các bệnh lý gan như:

- U nang gan

- U máu gan

- Di căn gan

- Tăng sản nốt khu trú (FNH)

- FNH giãn tĩnh mạch

- U tuyến gan

- U gan nguyên phát (HCC)

- U gan nguyên phát dạng sợi (FL-HCC)

- Ung thư biểu mô tế bào đường mật (CCC)

- Áp xe gan

- U mỡ mạch máu (AML)

- Xơ gan

- Các bất thường gan bẩm sinh

- Bệnh gan nhiễm sắt

Chụp cộng hưởng từ gan giúp đánh giá mức độ tổn thương trong các tình trạng di căn gan, ung thư gan, gan nhiễm mỡ, lắng đọng sắt, xơ gan… 

MRI gan còn giúp đánh giá trước và trong quá trình điều trị, đánh giá trước phẫu thuật và đánh giá trong trường hợp ghép gan.

4. Ưu nhược điểm của chụp cộng hưởng từ gan

a. Ưu điểm của chụp MRI gan

- MRI sử dụng máy MRI để chụp lại hình ảnh, do đó sẽ không phụ thuộc vào kỹ năng của bác sĩ như trong siêu âm.

- MRI cho ra hình ảnh rõ ràng và chi tiết hơn so với siêu âm hay X-quang.

- MRI có độ nhạy và khả năng phân biệt giữa di căn gan và tổn thương gan khu trú có kích nhỏ tốt hơn CT, kể cả MSCT (CT đa lát cắt).

- MRI không sử dụng bức xạ như trong CT, an toàn với phụ nữ đang mang thai và trẻ em.

 
MRI chụp hình ảnh mô mềm tốt hơn CT

b. Nhược điểm của chụp MRI gan

- Chi phí cao, không phải cơ sở y tế nào cũng được trang bị máy chụp MRI.

- Thời gian chụp lâu hơn so với CT.

- Có một số chống chỉ định với người có thiết bị kim loại trong người hoặc bệnh nặng cần có thiết bị hồi sức bên người.

5. Quy trình chụp cộng hưởng từ gan

a. Chuẩn bị trước khi chụp MRI gan

Trước khi chụp MRI gan, bạn cần cung cấp cho bác sĩ các thông tin sau:

- Đang có thai, nghi ngờ có thai hoặc đang cho con bú.

- Có tiền sử dị ứng với chất tương phản.

- Có tiền sử dị ứng với bất kỳ chất gì.

- Tiền sử bệnh lý.

- Có thiết bị điện tử đặt trong cơ thể: máy trợ thính, máy bơm thuốc…

- Làm các thủ thuật can thiệp, cấy ghép thiết bị y tế: máy tạo nhịp tim nhân tạo, kẹp, vật kim loại nội sọ, vật kim loại hốc mắt, stent mạch máu, coils.

- Có bộ phận kim loại trong cơ thể: khớp giả, răng giả, nẹp xương, đinh nội tủy…

Nếu sử dụng thuốc tương phản từ thì bạn nên nhịn ăn 4-6 tiếng trước đó, nếu không thì bạn có thể ăn uống bình thường trừ khi có chỉ định khác từ bác sĩ.

Sau khi đã hoàn thành phiếu kiểm tra thông tin trước khi chụp cộng hưởng từ, bạn sẽ thay trang phục do nhân viên y tế cung cấp. Bạn cần tháo bỏ tất cả thiết bị và dụng cụ trên người để đảm bảo quá trình chụp MRI diễn ra thuận lợi, không giới hạn bao gồm điện thoại, ví tiền, trang sức, kẹp tóc, mắt kính, chìa khóa…

 
Cần tuân thủ các quy định trước khi vào phòng chụp MRI

b. Điều gì xảy ra trong khi chụp MRI gan

Nếu chụp cộng hưởng từ gan có thuốc tương phản, bạn sẽ được tiêm thuốc này qua đường truyề tĩnh mạch ở bàn tay hoặc cánh tay trước khi tiến hành quét MRI.

Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bạn nằm lên bàn trượt của máy MRI, sau đó trượt vào ống tròn mở của máy MRI để tiến hành quét.

Trong khi chụp MRI, bạn sẽ nghe tiếng ồn tạch tạch, bíp bíp khá lớn hoặc có cảm giác rung giật nhẹ. Những điều này là bình thường và bạn không cần phải lo lắng.

Bạn cần nằm yên trong suốt quá trình chụp và làm theo hướng dẫn của kỹ thuật viên, ví dụ hít vào và nín thở chẳng hạn. 
Nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường gì hãy thông báo cho kỹ thuật viên.

c. Sau khi chụp MRI gan

Bạn có thể hoạt động ngay sau khi chụp MRI gan. Kết quả sẽ được trả sau đó 1-2 tiếng, được đọc bởi bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa. Tùy theo loại tổn thương và mức độ tổn thương gan mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp cho tình trạng của bạn, có thể bao gồm thay đổi lối sống, điều trị nội khoa và ngoại khoa.

6. Chụp MRI gan tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 

Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 trang bị máy chụp MRI 1.5T giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý gan. So với các dòng máy cũ, MRI 1.5T có tốc độ chụp nhanh hơn, hình ảnh có độ tương phản tốt hơn giúp phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư và ung thư gan giai đoạn sớm.