CHỌC HÚT DỊCH KHỚP DƯỚI HƯỚNG DẪN CỦA SIÊU ÂM

Chọc hút dịch khớp là một thủ thuật tương đối đơn giản để đánh giá, phân tích dịch khớp nhằm cung cấp thông tin cần thiết cho chẩn đoán và điều trị các nguyên nhân gây viêm khớp. Chọc hút dịch khớp kết hợp với siêu âm sẽ giúp thủ thuật an toàn và hiệu quả hơn.

 
Chọc hút dịch khớp chẩn đoán bệnh viêm khớp

1. Xét nghiệm chọc hút dịch khớp là gì?

Mỗi khớp trong cơ thể đều chứa dịch khớp. Dịch khớp được tiết ra theo cơ chế sinh học bình thường, có tác dụng bôi trơn khớp giúp khớp cử động dễ dàng, trơn tru. 

Chọc hút dịch khớp là thủ thuật sử dụng một kim tiêm nhỏ (18-20 gause) để lấy mẫu dịch khớp để phân tích, giúp chẩn đoán các nguyên nhân gây viêm khớp. Mẫu dịch khớp được đánh giá đại thể (thể tích, màu sắc, độ trong, độ nhớt) và có thể sử dụng để tiến hành nhiều xét nghiệm như:

- Phân tích hóa học (glucose, lactate, protein, axit uric) .

- Đếm số lượng tế bào.

- Tế bào học.

- Nuôi cấy định danh vi khuẩn.

- PCR lao dịch khớp.

- Soi tươi tìm tinh thể urat.

- Tìm BK, MGIT (vi khuẩn lao).

2. Mục đích của xét nghiệm chọc hút dịch khớp là gì?

Chọc hút dịch khớp nhằm mục đích chẩn đoán nguyên nhân gây đau và viêm khớp, như:

- Viêm xương khớp.

- Gout (gút).

- Viêm khớp tự miễn (vd: viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống).

-Tràn dịch khớp.

- Viêm khớp nhiễm trùng.

- Chảy máu trong khớp.

Bệnh nhân thường được chỉ định chọc hút dịch khớp khi có các triệu chứng: đau khớp, sưng khớp, đỏ ở khớp, khớp có cảm giác ấm khi chạm vào, cứng khớp. Phân tích dịch khớp kết hợp với các triệu chứng lâm sàng rất hữu ích trong việc đưa ra thông tin chẩn đoán, và trong một số trường hợp có thể khẳng định ngay chẩn đoán.

Chọc hút dịch khớp cũng được sử dụng nhằm mục đích điều trị:

- Chọc tháo dịch khớp: để loại bỏ bớt máu, mủ, dịch khớp dư thừa, giúp giảm đau ở khớp bị ảnh hưởng.

- Tiêm nội khớp: đưa thuốc vào khoang khớp nhằm mục đích điều trị và giảm đau.

3. Chống chỉ định chọc hút dịch khớp?

Chọc hút dịch khớp thường không được thực hiện trong các trường hợp:

- Bệnh nhân có bệnh lý rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu.

- Nhiễm trùng da vị trí khớp định chọc hút.

- Khớp nhân tạo.

- Vị trí khớp khó tiếp cận.

- Người bệnh không hợp tác, sợ hãi quá mức.

Ngoài ra, thủ thuật này cần được kiểm soát tốt trước và sau khi tiến hành thủ thuật ở những bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường.

4. Quy trình chọc hút dịch khớp?

 
Chọc hút dịch khớp dưới hướng dẫn của siêu âm

a. Trước khi thực hiện chọc hút dịch khớp

Thường bệnh nhân không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi chọc hút dịch khớp. Một số người có thể được yêu cầu nhịn ăn trước khi làm thủ thuật này. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng.

Sau khi được thăm khám và có chỉ định chọc hút dịch khớp, người bệnh sẽ được giải thích về thủ thuật để hợp tác với bác sĩ trong quá trình thực hiện.

b. Trong khi thực hiện chọc hút dịch khớp

Quá trình chọc hút dịch khớp chỉ kéo dài vài phút như sau:

- Người bệnh ngồi hoặc nằm ở tư thế thuận lợi cho làm thủ thuật.

- Kiểm tra vị trí hút dịch dưới siêu âm.

- Sát khuẩn vị trí chọc hút dịch. 

- Bác sĩ đặt đầu dò đã được bọc găng vô khuẩn tại vị trí cần hút dịch. 

- Làm thủ thuật gây tê tại chỗ, sau đó đưa kim vào vị trí đã xác định, di chuyển kim và hút dịch dưới hướng dẫn của siêu âm, kéo pít-tông của xilanh để hút dịch khớp một cách nhẹ nhàng và từ từ.

- Trong trường hợp có quá nhiều dịch khớp, có thể cần thay ống tiêm thứ hai.

- Nếu người bệnh có chỉ định tiêm khớp, bác sỹ sẽ làm thủ thuật đưa thuốc vào ổ khớp bằng cách giữ nguyên mũi kim trong khi rút ống tiêm chứa dịch khớp và thay bằng ống tiêm chứa thuốc.

- Kết thúc thủ thuật, rút kim, sát khuẩn lại và băng ép vị trí chọc hút dịch bằng băng dính y tế.

- Gửi mẫu dịch khớp đến phòng thí nghiệm để tiến hành các xét nghiệm kiểm tra.

c. Sau khi thực hiện chọc hút dịch khớp

Sau khi hoàn thành thủ thuật, bệnh nhân ở lại theo dõi một lúc rồi ra về, cần hạn chế vận động ở khu vực khớp chọc hút dịch. Bệnh nhân lưu ý giữ sạch và không để ướt vị trí chọc hút dịch trong 24h, cũng như theo dõi tình trạng vị trí chọc hút dịch khớp để quay lại tái khám nếu cần thiết. Sau 24h, tháo băng và rửa lại bằng nước sạch.

5. Chọc hút dịch khớp có đau không? Có biến chứng sau chọc dịch khớp không?

Nếu không sử dụng thuốc gây tê, quá trình chọc hút dịch khớp có thể khiến bạn bị đau và khó chịu. Sau khi chọc hút dịch khớp bạn có thể bị đau tại chỗ chọc dịch. Lúc này có thể làm giảm đau bằng cách chườm lạnh, dùng thuốc giảm đau với liều lượng tùy vào mức độ đau.

Nhìn chung, chọc hút dịch khớp là một thủ thuật tương đối đơn giản, nhanh chóng, an toàn. Một số ít người có thể gặp các biến chứng sau:

- Chảy máu kéo dài tại vị trí chọc hút dịch.

- Nhiễm khuẩn khớp, phần mềm quanh khớp.

- Biến chứng kích thích phó giao cảm do người bệnh quá sợ hãi, trường hợp này rất hiếm gặp.

Trong các trường hợp này, bác sĩ sẽ có biện pháp xử trí tại chỗ. Sau khi về nhà nếu bị chảy dịch, chảy máu, sưng tấy tại vị trí chọc dò hoặc sốt thì nên quay lại tái khám.