CÁCH PHÒNG TRÁNH BỆNH TAY CHÂN MIỆNG CHO TRẺ


1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em xuất hiện quanh năm, thường phát vào tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng (Hand, Foot, and Mouth Disease - HFMD) do một chi của vi rút RNA có tên Enterovirus gây ra, phổ biến nhất trong hầu hết các trường hợp là chủng Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Tuy nhiên một số chủng Coxsackievirus khác như A5, A7, A9, A10, B1, B2, B3 và B5 cũng có thể gây bệnh.

Bệnh có thể lây lan từ người sang người qua việc tiếp xúc với tay chân hoặc bề mặt nhiễm vi rút, dịch tiết miệng, mũi, họng, dịch tiết từ mụn nước hay phân, chất nôn… của người bệnh. Biểu hiện dễ phân biệt nhất của bệnh là mụn nước và vết loét trong miệng cùng với phát ban ở bàn tay và bàn chân.

Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng phổ biến nhất là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi. Thường bệnh tay chân miệng biểu hiện nhẹ có thể tự khỏi trong vài ngày, nhưng trong trường hợp nặng hơn thì cần nhập viện ngay, nếu không sẽ rất nguy hiểm.


Bệnh tay chân miệng là bệnh rất dễ lây lan ở trẻ em

2. Triệu chứng của bệnh tay chân miệng?

Bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan ở trẻ khi trẻ đi học ở nhà trẻ hoặc trường học. Khi mới nhiễm vi rút, trẻ không có biểu hiện bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 7 ngày, sau đó trẻ sẽ có các triệu chứng sau:

- Sốt nhẹ

- Đau miệng

- Đau họng

- Tiêu chảy

- Biếng ăn

- Mệt mỏi, khó chịu

- Ở niêm mạc miệng, lợi hoặc lưỡi xuất hiện mụn nước hoặc vết loét 2-3mm, bao quanh bởi quầng đỏ

- Phát ban lòng bàn tay và lòng bàn chân, có thể xuất hiện ở mông và đầu gối. Các nốt ban dần phát triển thành phỏng nước.

- Nôn mửa.

Thông thường các triệu chứng này có thể biến mất mà không cần điều trị sau 7 đến 10 ngày. Khi nặng hơn cần phải nhập viện điều trị và hầu hết các trường hợp có thể hồi phục hoàn toàn.

Tuy nhiên, chủng Enterovirus A71 - từng liên quan đến một số vụ bùng phát bệnh lớn, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và cả tử vong. Các biến chứng nặng thường liên quan đến tim phổi và hệ thần kinh trung ương. Một số biến chứng bao gồm:

- Khó nuốt

- Yếu chân tay

- Suy tuần hoàn

- Suy hô hấp

- Biến chứng thần kinh

- Tử vong (chủ yếu do biến chứng viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp).

3. Làm gì khi trẻ bị bệnh tay chân miệng

 
Trẻ bị bệnh tay chân miệng cần uống nhiều nước để tránh bị mất nước

Khi trẻ có các biểu hiện ban đầu là sốt và đau họng, bạn có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt và súc miệng mũi bằng nước muối sinh lý.

Cho trẻ uống nhiều nước, ăn một số loại thức ăn mềm như cháo, súp và tránh các đồ ăn cay nóng, nhiều axit.

Đồ dùng cá nhân của trẻ cần được xử lý sạch bằng xà phòng và sát khuẩn bằng nước sôi hoặc nước có pha chloramin B.

Hạn chế trẻ gãi hoặc chạm tay vào các vết phát ban, mụn nước, tránh mụn vỡ gây viêm loét và đau đớn.

Nếu bệnh không thuyên giảm hoặc xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như sốt cao liên tục, giật mình, quấy khóc khi ngủ, run tay chân, đi loạng choạng, nôn nhiều, khó thở, da tím tái, vã mồ hôi, tay chân lạnh...  thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh để điều trị và theo dõi, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Vi rút có thể tồn tại trong người nhiễm nhiều tuần hoặc nhiều tháng nên trong thời gian này, người nhà của trẻ cũng cần vệ sinh nhà cửa và rửa tay thường xuyên. Không dụi tay vào mắt mũi miệng vì bệnh có thể lây lan nếu tay dính vi rút.

4. Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng 

 
Rửa tay thường xuyên để phòng tránh bệnh tay chân miệng

Giữ vệ sinh sạch sẽ là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh tay chân miệng. Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với đồ chơi, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn hoặc sau khi chơi ở nơi công cộng. 

Ăn chín uống sôi và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cần tránh dùng chung đồ với nhau, đặc biệt là quần áo, muỗng chén đũa dùng để ăn hoặc ly dùng để uống nước.

Nhà trường và nhà trẻ cần được vệ sinh và khử trùng thường xuyên bằng chloramin B, dung dịch nước Javel hoặc xà phòng sát khuẩn, đặc biệt là đồ chơi, nền nhà và các vật dụng khác có thể nhiễm vi rút.

Nếu trẻ có triệu chứng bệnh tay chân miệng, cần cho trẻ nghỉ học và theo dõi tại nhà, tránh tiếp xúc với người khác trong 10-14 ngày đầu của bệnh để phòng tránh bệnh lây lan. 

Tư vấn chuyên môn: BS CKI Phạm Thị Minh Hà