BỆNH CHÀM CÓ ĐÁNG LO NGẠI? (ECZEMA)

Chàm là bệnh viêm da phổ biến, ngày nay và trong tương lai, do yêu cầu công nghiệp hóa sử dụng nhiều hóa chất, nên bệnh chàm ngày càng tăng. Ở Việt Nam chàm chiếm 25% bệnh lý ngoài da, và là một trong những lý do hàng đầu bệnh nhân đến khám bệnh da liễu. Vậy bệnh chàm có đáng lo ngại?



Chàm là bệnh viêm da phổ biến, ngày nay và trong tương lai.


Để trả lời câu hỏi bệnh chàm có đáng lo ngại thì chúng ta cần phải hiểu rõ bệnh chàm là gì? Nguyên nhân gây bệnh? Đối tượng nào có nguy cơ bị bệnh chàm cao?…
1. Định nghĩa về bệnh chàm:
Chàm là 1 phản ứng viêm da đa dạng, liên quan đến thượng bì và bì.Là một bệnh lý không lây truyền
Biểu hiện lâm sàng đa dạng, nhưng bao giờ cũng có đặc tính hồng ban, mụn nước sắp xếp thành mảng giới hạn không rõ, đặc biệt ngứa nhiều.
Bệnh diễn tiến qua nhiều giai đoạn hồng ban, sẩn, mụn nước, rịn nước, đóng mài, tróc vẩy, sau đó lành da hoặc diễn tiến ngứa dai dẳng da dày, lichen hóa.
2. Nguyên nhân gây bệnh:
Nguyên nhân gây bệnh phức tạp khó phát hiện. Hai yếu tố cơ bản phát sinh gây ra chàm là cơ địa dị ứng và dị ứng nguyên:
a. Do cơ địa:
Người bệnh chàm có tiền sử cá nhân và gia đình có người bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng, bệnh chàm thể tạng, mề đay dị ứng.
Người bệnh chàm có những rối loạn chức năng của một số nội tạng sẽ đưa đến thay đổi cơ địa làm bệnh nhân bị chàm: yếu tố gan mật, yếu tố thần kinh, yếu tố nội tiết…
b. Do dị nguyên:
– Hóa chất nghề nghiệp: xi măng, thuốc nhuôm, sơn xe, dầu mỡ, thuốc trừ sâu…, hóa chất tẩy rữa, xà phòng, chất tẩy vệ sinh.
– Các sản phẩm vi sinh sẽ gây cơ chế dị ứng như nhiễm vi khuẩn, vi nấm, siêu vi.
– Các yếu tố vật lý: ánh sáng, độ ẩm, thời tiết, sự cọ sát, gãi..
– Quần áo len, mỹ phẩm, nước hoa, giầy dép cao su…
– Thức ăn: trứng, thức ăn biển, thức ăn lên men (chao, mắm…), sữa, đậu phộng, chocolate…
– Dị ứng nguyên trong không khí: Môi trường ô nhiễm, bụi nhà , phấn hoa..
– Yếu tố tâm lý :stress trong cuộc sống làm bệnh chàm năng hơn
3. Cách điều điều trị :
a. Tích cực tìm nguyên nhân gây dị ứng loại bỏ, tránh tái phát.
b. Điều trị tại chỗ: Tùy vào giai đoạn bệnh bác sĩ sẽ có chỉ định khác nhau.
– Da bị đỏ, nổi mụn nước điều trị thuốc dạng kem chứa corticoid (có sư hướng dẫn bác sĩ)
– Da bị chảy nước dùng dung dịch sát trùng bôi: eosin 2%, Millian. tắm thuốc tím pha loãng với nước ấm (1/10000).
– Sang thương khô tróc vẩy thường bôi các kem giữ ẩm: Eucerin, Physiogel, Ellgy H2O…
c. Điều trị toàn thân:
Chống ngứa: điều quan trọng là phải kiểm soát ngứa nếu không bênh sẽ năng hơn bằng cách sử dụng thuốc kháng histamin, an thần
Kháng sinh: thường được dùng khi có bội nhiễm, thường là nhiễm khuẩn do Staphylococcus aureus.
Không được cào gãi, chà sát, chích lễ sẽ làm nhiễm trùng sang thương.
Không ngâm phèn chua, nước muối, chà chanh vì nhưng chất này sẽ có thể là dị ứng nguyên bệnh sẽ năng hơn.

4. Cách phòng bệnh: để tránh chàm tái phát ta chú ý một số vấn đề sau
– Chế độ dinh dưỡng bổ sung vitamin cho da,vit A, B, C, E, PP…
– Nghĩ ngơi tránh stress
– Tránh ăn những thực phẩm bị dị ứng
– Sử dụng những sản phẩm chăm sóc da phù hợp
– Giữ cho da không bị khô:bằng cách bôi kem giữ ẩm
– Tránh tắm quá nóng sẽ làm khô da
– Đeo găng tay, đeo ủng khi sử dụng chất tẩy rữa
– Người dị ứng với môi trường: ánh sáng, bụi…khi ra đường nên đeo khẩu trang, găng tay, mặc quần áo kín.
Bệnh chàm thật sự không quá đáng lo ngại nhưng việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng hơn và không ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ. Tuy đây là căn bệnh không nguy hiểm nhưng nó có tác động tiêu cực tới tâm lý và thẩm mỹ.
BS.Tuyết Hoa – Phòng Khám Bệnh Viện Đại Học Y Dược 1