NỘI SOI ĐẠI TRÀNG CÓ THỰC SỰ CẦN THIẾT?

 

1. NỘI SOI ĐẠI TRÀNG LÀ GÌ?
Nội soi đại tràng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh mà bác sĩ sử dụng ống nội soi mềm có đường kính khoảng 13 mm (bằng ngón tay) đưa vào hậu môn, đi vào trực tràng, đại tràng và cuối cùng là kết thúc ở manh tràng. Nội soi đại tràng nhằm phát hiện những bất thường trên bề mặt niêm mạc đại trực tràng.

2. TẠI SAO PHẢI NỘI SOI ĐẠI TRÀNG?
Ung thư đại-trực tràng đứng hàng thứ ba ở nam giới và hàng thứ hai ở nữ giới trên toàn thế giới và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trong các nguyên nhân tử vong do ung thư. Hàng năm, khoảng 150.000 trường hợp ung thư đại-trực tràng được chẩn đoán và 50.000 trường hợp tử vong vì bệnh lý này tại Hoa Kỳ.

Nếu ung thư đại-trực tràng được nhận thức và tầm soát thì chúng ta có thể ngăn ngừa được ít nhất 30.000 trường hợp tử vong do ung thư đại-trực tràng. Nội soi đại tràng là tiêu chuẩn vàng trong tầm soát ung thư đại-trực tràng.

Nội soi đại tràng cũng thường được bác sĩ chỉ định khi người bệnh có các triệu chứng như: rối loạn đi tiêu, tiêu phân lẫn máu, tiêu chảy kéo dài, đau bụng quanh rốn hay dọc khung đại tràng, sụt cân không rõ nguyên nhân, tiền căn gia đình người bệnh có ung thư hay polyp đại-trực tràng…

Tầm soát ung thư đại-trực tràng nhằm phát hiện những tổn thương ung thư sớm, tổn thương tiền ung thư không có triệu chứng và giảm tỷ lệ mắc cũng như tử vong do ung thư đại-trực tràng. Nội soi đại tràng có thể phát hiện những tổn thương tiền ung thư, ung thư sớm hay muộn ở đại-trực tràng. Ung thư sớm và tiền ung thư có thể được điều trị khỏi hoàn toàn qua nội soi.

3. TRƯỚC KHI NỘI SOI ĐẠI TRÀNG CẦN CHUẨN BỊ GÌ?
Chuẩn bị đại tràng Bác sĩ nội soi sẽ hướng dẫn người bệnh cách chuẩn bị đại tràng trước khi nội soi, bao gồm:

– Chế độ ăn trước khi nội soi: một ngày trước khi nội soi, người bệnh nên ăn thức ăn lỏng, tránh các loại thức uống có màu như đỏ và tím.

– Tránh mất nước trong quá trình chuẩn bị đại tràng bằng cách uống nhiều nước hơn bình thường. – Thời điểm chính xác phải ngưng ăn uống trước khi nội soi.

– Người bệnh cũng cần báo cho bác sĩ nội soi biết nếu đang có thai hay cho con bú, tiền căn tắc hay bán tắc ruột, các bệnh lý nội khoa mạn tính (suy tim, tăng huyết áp, suy thận, bệnh gan mạn tính…), tiền căn dị ứng thuốc cũng như các loại thuốc đang sử dụng (thuốc tim mạch, thần kinh, kháng đông, tiểu đường, thuốc sắt…).

– Chuẩn bị đại tràng trước khi nội soi rất quan trọng vì để bác sĩ nội soi có thể soi hết khung đại tràng, quan sát rõ và tránh bỏ sót tổn thương, nhất là những tổn thương polyp hay u đại-trực tràng < 1cm, giảm nguy cơ tai biến trong quá trình nội soi. Nhiều người bệnh cảm thấy chuẩn bị đại tràng là bước khó khăn nhất trong quá trình nội soi đại tràng.

Có 2 cách chuẩn bị đại tràng trước khi nội soi, bác sĩ nội soi sẽ quyết định phương pháp chuẩn bị đại tràng tùy tình trạng của người bệnh:

• Chuẩn bị đại tràng bằng cách thụt tháo: phương pháp này được sử dụng khi người bệnh có các triệu chứng bán tắc hay tắc ruột như: đau quặn bụng từng cơn, khi trung tiện được thì giảm đau bụng, không đi tiêu được trong nhiều ngày…

• Chuẩn bị đại tràng bằng thuốc xổ: 2 loại thuốc xổ có thể sử dụng để chuẩn bị đại tràng là Macrogol 4000 (Fortrans) và Sodium phosphate (Fleet phospho soda). Macrogol 4000 là thuốc làm sạch đại tràng đẳng trương, không gây rối loạn nước và điện giải của cơ thể nên có thể sử dụng cho người bệnh có bệnh lý tim mạch, bệnh thận mạn hay suy gan.

Nhược điểm là người bệnh phải uống một lượng nước nhiều (3 – 4 lít nước pha với 3 – 4 gói thuốc) và nước có vị khó uống. Fleet phospho soda làm sạch đại tràng theo cơ chế ưu trương tức là kéo nước từ trong cơ thể vào lòng ruột nên có thể gây rối loạn nước và điện giải nếu ngưới bệnh có các bệnh lý về gan, thận mạn tính hay suy tim.

Ưu điểm của cách làm sạch đại tràng này là người bệnh dễ uống thuốc xổ nên khả năng tuân thủ quá trình làm sạch đại tràng cũng cao hơn. Do đó, chuẩn bị đại tràng bằng Fleet phospho soda thường được sử dụng đối với những người bệnh trẻ tuổi và không có các bệnh lý nội khoa mạn tính về gan, thận và tim mạch.

Chuẩn bị đại tràng có thể có một số tác dụng phụ nhưng tương đối hiếm bao gồm: buồn nôn, nôn, đầy bụng, hay đau bụng. Bác sĩ nội soi sẽ giải thích rõ cho người bệnh những khó chịu này trước khi nội soi.

Các loại thuốc đang uống có ngưng không? Một số thuốc người bệnh vẫn tiếp tục uống trước khi nội soi nhưng một số thuốc cần phải ngưng (Clopidogrel và kháng đông) tùy thuộc quyết định của bác sĩ nội soi. Quyết định ngưng thuốc của bác sĩ nội soi dựa trên cơ sở hội chẩn với bác sĩ tim mạch và thần kinh về lợi ích và tác hại của việc ngưng thuốc.

4. NỘI SOI ĐẠI TRÀNG DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

 
 
Nội soi đại tràng


Người bệnh nằm nghiêng trái hoặc nằm ngửa. Bác sĩ nội soi sẽ đưa ống soi đại tràng qua hậu môn, vào trực tràng rồi từ từ đến manh tràng (vị trí ruột non tiếp giáp với đại tràng). Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ toàn bộ niêm mạc đại tràng trong quá trình lui ống soi ra ngoài.

Quá trình nội soi diễn ra khoảng 15 – 30 phút tùy thuộc đại tràng khó hay dễ, có thực hiện thủ thuật (sinh thiết, cắt polyp…) hay không? Người bệnh thường cảm thấy căng tức bụng hay đau bụng nhất là khi ống nội soi đi qua những chỗ đại tràng gập góc.

Người bệnh có thể đau nhiều khi quá trình nội soi khó khăn và kéo dài, nhất là những trường hợp người bệnh có tiền căn phẫu thuật vùng chậu trước đó gây dính ruột. Với những trường hợp này, người bệnh nên được nội soi gây mê.

Nội soi gây mê là quá trình nội soi có bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức sẽ chích thuốc gây mê tĩnh mạch, giúp người bệnh ngủ và không đau trong quá trình nội soi gây mê.

Nội soi gây mê an toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như trí nhớ của người bệnh. Sau khi nội soi gây mê thì người bệnh không nên lái xe hay làm những việc quan trọng (ví dụ: kí hợp đồng…).

5. NHỮNG THỦ THUẬT THỰC HIỆN TRONG QUÁ TRÌNH NỘI SOI ĐẠI TRÀNG
Những bất thường Trong quá trình nội soi khi phát hiện những tổn thương bất thường trên niêm mạc đại tràng như viêm, khối u… bác sĩ nội soi sẽ tiến hành sinh thiết để xác định chắc chắn bản chất của tổn thương.

Với những trường hợp nội soi đại tràng vì chảy máu tiêu hóa dưới, bác sĩ nội soi sẽ tìm vị trí chảy máu và tiến hành cầm máu bằng đốt điện hay kẹp cầm máu bằng clip. Những thủ thuật này thường không làm người bệnh bị đau.

 


Cắt polyp qua nội soi


Polyp đại-trực tràng là những tổn thương ở niêm mạc nhô vào lòng đại-trực tràng. Polyp có thể có nhiều kích thước khác nhau từ vài milimet đến vài centimet. Polyp thường lành tính nhưng cũng có thể diễn tiến thành ung thư nếu không được cắt sớm qua nội soi.

Cắt polyp là phương pháp hiệu quả để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đại-trực tràng. Bác sĩ nội soi sẽ dùng các dụng cụ chuyên dụng để đưa qua ống nội soi và cắt polyp. Quá trình này hoàn toàn không đau.

6. DIỄN BIẾN SAU NỘI SOI ĐẠI TRÀNG
Sau khi nội soi đại tràng gây mê, người bệnh sẽ được theo dõi đến khi tỉnh

– Người bệnh có thể có cảm giác trướng bụng hay đau quặn bụng tạm thời do hơi được bơm vào lòng đại tràng trong quá trình nội soi. Cảm giác này sẽ nhanh chóng mất đi khi người bệnh trung tiện và đi vệ sinh.

– Người bệnh sẽ được bác sĩ giải thích về kết quả nội soi. Nếu có sinh thiết thì người bệnh sẽ nhận được kết quả sau 5 – 7 ngày.

– Người bệnh có thể ăn uống bình thường sau khi nội soi. Nếu có cắt polyp thì bác sĩ nội soi sẽ hướng dẫn chế độ ăn cụ thể cho người bệnh.

7. TAI BIẾN CỦA NỘI SOI ĐẠI TRÀNG
Nội soi đại tràng và cắt polyp qua nội soi an toàn khi được thực hiện bởi bác sĩ nội soi được đào tạo tốt và có kinh nghiệm. Tỷ lệ tai biến của nội soi và cắt polyp khoảng 0,1 – 0,5%. Những tai biến có thể xảy ra trong quá trình nội soi bao gồm: chảy máu (tại vị trí sinh thiết hay cắt polyp) và thủng đại tràng.

Ngoài ra, người bệnh có thể bị dị ứng với thuốc mê hay gặp phải tai biến về tim mạch và hô hấp khi nội soi gây mê. Chảy máu sau khi nội soi thường nhẹ và có thể tự cầm mà không cần can thiệp gì thêm.

Nếu chảy máu tiếp tục diễn tiến thì cần nội soi lại để cầm máu. Thủng đại tràng là tai biến nặng, thường phải phẫu thuật để khâu lỗ thủng.
Hiện nay, những lỗ thủng nhỏ và đại tràng sạch thì có thể đóng lại lỗ thủng hoàn toàn qua nội soi bằng các dụng cụ chuyên dụng.

Mặc dù tai biến của nội soi đại tràng rất thấp nhưng điều quan trọng là cần nhận ra sớm những dấu hiệu của tai biến để xử trí kịp thời và an toàn.

Người bệnh cần báo sớm cho bác sĩ nội soi hay nhân viên y tế khi có các triệu chứng như đau bụng nhiều, sốt, lạnh run hay đi tiêu ra máu. Tai biến chảy máu có thể xảy ra muộn sau khi nội soi 7 – 14 ngày.

Nguồn: ThS.BS Phạm Công Khánh – BV Đại học Y Dược TP.HCM