HEN SUYỄN BỆNH MẠN TÍNH NGUY HIỂM CÓ NGUY CƠ GÂY ĐỘT TỬ

Tầm soát hen suyễn


1. Bệnh Hen suyễn là gì?
Hen hay Hen suyễn là tình trạng viêm mạn tính của đường hô hấp, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đây là bệnh mạn tính nên người bệnh cần kiên trì tuân thủ theo phác đồ điều trị.

Hen suyễn có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện sớm hoặc người bệnh không thực hiện đúng theo chỉ định của Bác sĩ.

Tính đến thời điểm hiện tại Hen suyễn vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng một tin vui là bệnh hen có thể kiểm soát hiệu quả bằng cách sử dụng các loại thuốc thông qua các dụng cụ xịt định liều với liều lượng rất thấp.

Vì vậy, một bệnh nhân khi được chẩn đoán hen vẫn có thể yên tâm sống bình thường, sinh hoạt bình thường mà không phải quá lo lắng về nó.

2. Các dạng Hen suyễn bạn cần biết

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan cho biết bệnh hen suyễn rất đa dạng gồm:
– Hen dạng điển hình: Người bệnh có từng đợt ho, khò khè, khó thở tái đi, tái lại nhất là khi gặp các tác nhân kích thích.

– Hen dạng ho: Người bệnh chỉ ho không có biểu hiện khò khè, khó thở nên người bệnh thường tìm đến bác sĩ về Tai – Mũi – Họng để điều trị, nhưng tình trạng ho không thuyên giảm. Do đó, khi gặp tình trạng ho kéo dài người bệnh nên gặp thêm bác sĩ hô hấp kiểm tra để có chẩn đoán chính xác nhất.

– Hen dạng khó thở: Đây là 1 dạng hen đặc biệt của người châu Á, bệnh nhân chỉ có biểu hiện khó thở mà không ho, không khò khè, nên bệnh nhân thường nghĩ đến các bệnh lý về thần kinh, hay tim mạch chứ không hề nghĩ mình có bệnh hen.

– Hen theo mùa: Người bệnh chỉ bị hen ở một giai đoạn nào đó trong năm như khi chuyển mùa hay thời tiết chuyển lạnh.

Biểu hiện của hen thường khó nhận biết chính xác ở giai đoạn khởi phát nên người bệnh thường có tâm lý chủ quan, và thường chỉ đi khám khi bệnh lý trở nặng gây khó khăn trong việc điều trị.

Do vậy, khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường như ho kéo dài, khò khè, khó thở tái đi, tái lại…người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà, sẽ làm cho quá trình điều trị khó khăn, phức tạp hơn, gây lờn thuốc và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

3. Những yếu tố khởi phát hen suyễn cần lưu ý
Có khoảng 16 nhóm yếu tố gây ra bệnh hen gồm: Thời tiết lạnh, gắng sức, mùi nồng gắt, ăn những thức ăn bị dị ứng, môi trường ô nhiễm, thuốc lá, tức giận, căng thẳng, thú có lông, phấn hoa, dị ứng thuốc, …

Hen suyễn là bệnh phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố, nguyên nhân,nơi sinh sống do vậy, biết những yếu tố gây ra hen và tránh tiếp xúc với các yếu tố đó sẽ giúp việc ngăn ngừa và điều trị hen hiệu quả hơn.

Theo PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan việc chẩn đoán hen hiện tại rất dễ dàng và có thể phát hiện bệnh ở giai

đoạn sớm bằng những máy móc trang thiết bị hiện đại. Thông thường các bác sĩ hô hấp sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các kiểm tra để chẩn đoán hen như sau:

Bước 1: Chỉ định chụp phim phổi để loại trừ lao. Do lao phổi hiện nay rất phổ biến tại Việt Nam.



Chụp X-Quang phổi


Bước 2: Làm các kiểm tra thăm dò chức năng hô hấp.Thông thường bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định đo Hô Hấp Ký có thử thuốc giãn phế quản để khảo sát xem đường thở có bị tắc nghẽn hay không.



Đo Hô hấp ký


Bước 3: Riêng trẻ em dưới 5 tuổi và người già sẽ được chỉ định làm dao động xung ký vì người bệnh không phải gắng sức như hô hấp ký.

Ngoài ra bệnh nhân có thể được đo Nitric oxide trong hơi thở. Đối với người bị viêm đường dẫn khí do hen thì Nitric oxide sẽ rất cao, thông thường đối với người lớn lượng Nitric oxide >50 ppb, đối với trẻ em nếu Nitric oxide >35 ppb thì sẽ giúp xác định hen.



Đo Nitric oxide trong hơi thở


Sau khi hỏi bệnh sử, khám lâm sàng và làm các khảo sát hô hấp để chẩn đoán hen, bác sĩ sẽ phân bậc điều trị và cho toa thuốc thích hợp.

Do đặc thù thuốc điều trị hen suyễn thường được đưa vào đường thở dưới dạng bình xịt định liều, nên bệnh nhân cần được các bác sĩ hướng dẫn thực hiện rất chi tiết, để tránh tình trạng thực hiện sai hoặc không đúng liều.

4. Lời khuyên của chuyên gia về điều trị Hen suyễn
Lời khuyên của PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan Người bệnh cần phải luôn đem theo thuốc cắt cơn bên mình phòng khi lên cơn hen. Khi bị lên cơn người bệnh có thể xịt 2 nhát, 20 phút sau nếu hết có thể ngưng nếu chưa hết thì tiếp tục xịt thêm 2 nhát nữa, không hết thì xịt thêm 2 nhát nữa.

Trong trường hợp đã xịt 6 nhát trong 1 tiếng mà cơn hen vẫn không hết thì phải nhờ người bên cạnh đưa đi cấp cứu ở bệnh viện gần nhất.

Nguyên tắc điều trị hen hiện nay là “Ngừa cơn chứ không được chờ lên cơn mới cắt”. Vì vậy, người bệnh không được lạm dụng quá nhiều thuốc cắt cơn, điều này sẽ làm cho người bệnh bị lờn thuốc, không còn thuốc cấp cứu khi cần.

Ngày nay, bệnh hen đã có những phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến ngay tại Việt Nam.

Người bị hen suyễn nếu được chẩn đoán đúng, điều trị đúng, tuân thủ toa thuốc đúng, kiêng cữ đúng, thì hoàn toàn ổn định, không lên cơn, không khò khè, không khó thở, không phải dùng thuốc cấp cứu và có thể sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi như một người bình thường khác.

Các vận động viên bị hen vẫn đoạt được huy chương vàng Olympic là minh chứng.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan
Phòng Khám Bệnh Viện Đại Học Y Dược 1

Chi tiết liên hệ:

Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1

20-22 Dương Quang Trung, P.12. Q.10

Hotline: 1800 6023