CẨN THẬN VỚI BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA VIÊM HỌNG

 

1. Viêm họng là gì?

Viêm họng là viêm niêm mạc và tổ chức niêm mạc dưới họng, có cảm giác đau, khó chịu khi nuốt, ngứa ngáy hoặc kích ứng cổ họng. Hầu hết viêm họng là do virus, vi khuẩn hoặc do các yếu tố môi trường như khói bụi, không khí khô. Mặc dù viêm họng gây khó chịu nhưng thường tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, viêm họng nghiêm trọng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Viêm họng có 02 loại:

- Viêm họng cấp tính: Là thể viêm họng điển hình, thường phát triển vào mùa lạnh, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Viêm họng cấp tính có thể xuất hiện riêng biệt hoặc cùng các bệnh viêm đường hô hấp như cúm, sởi…, hoặc xuất hiện với viêm VA, viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang… 

- Viêm họng mạn tính: Là chứng viêm họng kéo dài, trải qua các giai đoạn: xuất tiết, quá phát và teo. Các triệu chứng thể hiện rõ vào buổi sáng lúc mới thức dậy, thường gặp ở người trưởng thành. Viêm họng mạn tính có hai thể điển hình là viêm họng mạn tính lan tỏa và viêm họng mạn tính khu trú (gồm viêm VA mạn tính và viêm amidan mạn tính).


Cẩn thận những biến chứng của viêm họng

2. Những biến chứng của viêm họng

- Biến chứng tại họng: Viêm họng có thể gây áp-xe, viêm tấy quanh họng, viêm tấy amidan, áp-xe thành sau họng…

- Biến chứng các cơ quan lân cận: Viêm họng có thể dẫn đến viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa. Viêm tai giữa là biến chứng thường gặp xuất hiện sau viêm họng, nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến viêm tai xương chũm với triệu chứng sốt cao, hốc hác, đau tai, nghe kém, chảy mủ. Biến chứng nặng có thể gây tử vong.

- Biến chứng phế quản và phổi: Viêm họng có thể lan xuống thanh quản gây viêm thanh quản, viêm khí quản hoặc viêm phế quản. Nhiều trường hợp người bệnh bị nhiễm lạnh, vi trùng có thể từ đường hô hấp trên nhanh chóng tiến vào phổi gây viêm phổi. Viêm phổi có thể gây ra tình trạng thiếu oxy, khó thở và nguy cơ tử vong cao.

- Biến chứng tim, thận, khớp: Trong các tác nhân gây bệnh viêm họng thì liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (Streptococcus nhóm A) khi xâm nhập vào họng có thể gây viêm cầu thận, viêm khớp và thấp tim. Nguyên nhân vì vỏ của liên cầu khuẩn có cấu tạo giống cơ tim, thận và khớp. Cơ thể tạo ra kháng thể tấn công vi khuẩn, cũng đồng thời có thể phá hủy mô nội mạc tim. Điều này xảy ra tương tự ở thận và khớp. Thấp tim có thể dẫn đến viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, gây rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ và thậm chí là tử vong. 

- Ngoài ra, tình trạng viêm họng mạn tính có thể gây suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh do tình trạng ho nhiều, nhất là vào ban đêm. Nó thậm chí có thể diễn tiến thành ung thư vòm họng.

3. Các triệu chứng của viêm họng

 
Đau rát họng là triệu chứng chính của viêm họng 

Một số triệu chứng thường gặp của viêm họng bao gồm:

- Cảm giác khô và nóng cổ họng;

- Nuốt vướng;

- Đau rát họng, đau hơn khi nuốt hoặc nói;

- Xưng đỏ ở họng hoặc amidan;

- Có thể ho từng cơn, ho liên tục, ho khan hoặc có đờm;

- Amidan xuất hiện mảng trắng hoặc có mủ, thường gặp ở viêm họng do liên cầu khuẩn.

Ngoài ra, một số triệu chứng có thể đi cùng viêm họng là:

- Sổ mũi;

- Hắt hơi;

- Sốt vừa 38-39oC;

- Ớn lạnh;

- Sưng hạch ở cổ;

- Khàn giọng;

- Nhức mỏi cơ thể;

- Nhức đầu;

- Chán ăn;

- Buồn nôn hoặc ói mửa.

Nếu có những biểu hiện sau, người bệnh cần đến bệnh viện để khám ngay:

- Đau họng hoặc khàn tiếng kéo dài hơn một tuần;

- Khó thở;

- Khó mở miệng;

- Đau khớp;

- Đau tai;

- Phát ban;

- Sốt cao hơn 39oC;

- Có máu trong nước bọt hoặc đờm;

- Viêm họng thường xuyên tái phát;

- Sờ vào thấy hạch ở cổ.

4. Nguyên nhân của viêm họng

Một số nguyên nhân gây viêm họng cấp tính là:

- Virus: Adenovirus, Parainfluenzae, Coxsakie, Herpès gây mụn rộp, Epstein-Barr gây viêm amidan, virus cúm, virus sởi (Polinosa morbillarum). Trong đó virus Adenovirus là tác nhân phổ biến nhất trong nhóm virus gây viêm họng.

- Vi khuẩn: liên cầu khuẩn (tan huyết nhóm A; nhóm B, C và G ít gặp hơn), tụ cầu vàng, Haemophilus influenzae, phế cầu khuẩn, Neiseria…
Một số nguyên nhân gây viêm họng mạn tính là:

- Viêm xoang mạn tính.

- Viêm VA.

- Viêm amidan mạn tính.

- Tắc mũi mạn tính do vẹo vách ngăn, quá phát cuốn, polyp mũi.

- Trào ngược dạ dày thực quản.

- Dị ứng: lông thú nuôi, nấm mốc, bụi và phấn hoa.

5. Biện pháp khắc phục và phòng tránh biến chứng viêm họng

 
Uống nhiều nước để hạn chế biến chứng viêm họng

Một số điều cần lưu ý khi bị viêm họng để tránh biến chứng:

- Hạn chế nói chuyện;

- Uống nhiều nước để giữ ẩm cổ họng, nhưng không nên uống nước lạnh;

- Làm dịu cổ họng bằng mật ong pha nước ấm hoặc trà; pha chanh vào nước ấm hoặc uống trà thảo mộc; ngậm cam thảo hoặc kẹo bạc hà;

- Súc miệng bằng nước muối sinh lý, hoặc hỗn hợp nước ấm với 1 muỗng cà phê muối. Súc miệng 3 tiếng một lần hoặc lâu hơn;

- Tạo độ ẩm cho không khí bằng máy tạo độ ẩm;

- Tránh khói thuốc lá và không uống rượu bia.

Viêm họng có thể xảy ra do nhiều tác nhân. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp là do vi rút và vi khuẩn. Vì vậy, có thể hạn chế nguy cơ viêm họng bằng cách rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Đặc biệt là khi chạm vào các bề mặt thông thường như tay nắm cửa hoặc bàn phím, bắt tay hoặc tiếp xúc với những người đang bị bệnh viêm đường hô hấp.

Phần lớn các trường hợp viêm họng có thể thuyên giảm sau vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu chứng viêm họng của bạn không thuyên giảm hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng hơn, như khó thở, khó nuốt, sốt cao hoặc cứng cổ thì hãy đến bệnh viện để thăm khám, nhằm phòng tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.